Nguy cơ đột qụy khi gắng sức chơi thể thao
BS CKII Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Nội thần kinh, BV Thống Nhất (TP.HCM) thăm khám cho bệnh nhân T.N.K. |
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp người tập luyện khỏe mạnh và có thân hình cân đối nhưng nếu tập luyện gắng sức sẽ gây ra những tác hại tới sức khỏe. Có người đột qụy sau tập thể thao mới biết mình bị dị tật tim mạch. Mối lo ngại về đột tử càng tăng lên khi các phong trào thể dục thể thao ngày càng phát triển nhưng người tham gia phong trào thường thiếu ý thức về sức khỏe bản thân và cách tập luyện an toàn.
Nhiều trường hợp nguy kịch do tập luyện gắng sức
Sáng sớm 11-6, bệnh nhân T.N.K. (23 tuổi, ngụ Tân Phú, TP.HCM) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Thống Nhất với các triệu chứng đột ngột bị cơn đau dữ dội ở ngực khi chạy bộ được gần 10km. Chị Ng.T.T. (mẹ bệnh nhân K.) cho hay, trước đó, mỗi lần chạy bộ xong về nhà, K. nói cảm giác nghẹn và khó thở, đau thắt ngực. Gia đình chủ quan cho rằng, do K. vận động nhiều khi tập luyện nên khuyên tập ít lại.
Vẫn còn hoang mang, chị T. nói: “Hôm rồi, tôi đang chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà thì điện thoại reo, đầu dây bên kia có người nói con chị bị ngất ngoài công viên. Vội ra tới nơi, may sao vừa lúc xe cấp cứu được người dân gọi tới, kịp thời đưa cháu vào BV cấp cứu. Phúc lớn ông bà, giờ K. đã qua cơn nguy hiểm”.
BV Đại học Y Dược TP.HCM thời gian qua cũng ghi nhận hàng chục trường hợp cấp cứu có liên quan đến chơi thể thao. Có trường hợp liên quan tới chạy bộ sáng sớm; người đang tập thể hình thì bị ngã và bất tỉnh.
Như trường hợp anh L.T.T.A. (32 tuổi, ngụ quận 5) - vận động viên nghiệp dư marathon, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Anh A. đang tham gia một giải marathon phong trào tại TP. Dĩ An (Bình Dương) thì đột ngột té ngã, nôn ra thức ăn, co quắp chân tay và bất tỉnh. Lúc nhập viện cấp cứu, huyết áp A. lúc cao lúc thấp, nhịp tim loạn nhanh nhiều dạng đan xen, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng, hôn mê sâu.
Sau gần một giờ được bác sĩ hồi sức tích cực, duy trì được chỉ số sinh tồn, giảm cơn co quắp, huyết áp ổn định, người bệnh qua cơn nguy kịch, nhưng bị liệt nửa người vì đột qụy do đứt mạch máu não.
Theo anh Tấn Dương (vận động viên nghiệp dư marathon, ngụ TP.HCM), khi người dân muốn tham gia các giải chạy bộ marathon cần chú ý: Trên đường chạy, nếu cảm thấy có vấn đề về sức khỏe thì liên hệ ngay nhân viên y tế, các tình nguyện viên được ban tổ chức bố trí ở rất nhiều điểm trên đường chạy.
Trên đường chạy, nhân viên y tế của ban tổ chức có thẩm quyền kiểm tra bất kỳ vận động viên nào có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe. Nếu người tham dự có những dấu hiệu không tốt về sức khỏe, nhân viên y tế có quyền đưa vận động viên ra khỏi đường chạy để theo dõi hoặc yêu cầu vận động viên không tham dự tiếp nhằm tránh rủi ro về sức khỏe.
Rèn luyện thể chất phải “lắng nghe cơ thể”
BS CKII Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Nội thần kinh, BV Thống Nhất, cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị 10-15 trường hợp, trong đó 50% liên quan tới đột qụy và 1-2 trường hợp đột qụy do tập luyện thể thao gắng sức. Đáng lưu ý, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp thanh niên 20-40 tuổi, thích đá bóng, chạy marathon… có bệnh lý tim mạch, huyết áp tiềm ẩn trước đó nhưng không đi khám sàng lọc nên không biết.
Cũng có trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngưng tim như: hội chứng Brugada (một bệnh lý hiếm gặp có tính di truyền), hội chứng QT dài (bệnh lý về tim), đây đều là những bệnh lý có tính di truyền.
“Những bệnh lý này biểu hiện khá kín nên có thể bác sĩ không chuyên về tim mạch sẽ không để ý, không phát hiện ra. Những người có bệnh lý tim mạch như vậy, có nguy cơ gắng sức trong quá trình tập luyện, rất dễ dẫn đến đột tử và đột tử chủ yếu do bệnh cơ tim phì đại”, BS Nguyễn Thị Phương Nga cảnh báo.
Đồng tình với ý kiến này, TS-BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM, lưu ý, những người bị đột qụy trong lúc tập thể thao thường có sẵn yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu não hoặc vỡ mạch máu não. Bản thân họ không kiểm soát được mức độ tập luyện, dẫn đến gắng sức. Bên cạnh đó, đột qụy cũng có yếu tố nguy cơ từ các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì hoặc có yếu tố di truyền; từ đó, tăng nguy cơ vỡ, tắc mạch máu.
Vì vậy, khi tập luyện thể chất, người dân cần phải “lắng nghe cơ thể”, chú ý đến các dấu hiệu đột qụy sớm có thể biểu hiện qua các trạng thái: đột nhiên đau đầu, đi lại khó khăn; loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt; hơi thở ngắn; người ớn lạnh; đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt, méo miệng. Ngay lập tức, hãy kiểm tra người nghi ngờ bệnh theo quy tắc FAST: Face (mặt), Arms (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).
Chọn môn thể thao phù hợp Người chơi thể thao nên gặp bác sĩ chuyên khoa thể thao để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý tiềm năng hay không, như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp. Nếu có vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn chọn môn tập và lượng vận động phù hợp. Bên cạnh đó, trước khi tập, người tập cần chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp thể chất và đánh giá tình trạng thể lực có bảo đảm để tập, thời gian - lượng vận động bao nhiêu, cần lưu ý khởi động trước khi tập, tập xong phải thả lỏng, hồi phục. Sơ cứu khi thấy dấu hiệu đột qụy Đỡ người bệnh để không bị té ngã, chấn thương; cho người bệnh nằm xuống chỗ thoáng mát, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho người bệnh dễ thở và tìm cách đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. |