Phòng, chống tác hại thuốc lá: Nêu cao ý thức bảo vệ trẻ
Trẻ em sống trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn. Trong ảnh: Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám bệnh về đường hô hấp cho trẻ. |
Nicotine là chất gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Đây là chất có trong khói thuốc, dính trên da, quần áo hay mái tóc của người hút thuốc lá. Chất này được coi là “kẻ trung gian” trong việc hút thuốc thụ động ở trẻ em. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên nói riêng và trên cả nước nói chung, nhiều phụ huynh chưa có ý thức bảo vệ con mình trước khói thuốc lá.
Có mặt tại một nhà hàng kinh doanh đồ ăn sáng trên đường Bắc Kạn (TP. Thái Nguyên) vào một ngày cuối tháng 6, chúng tôi nhận thấy khách hàng vào, ra nườm nượp. Do là ngày nghỉ cuối tuần nên nhiều phụ huynh đưa con đi ăn cùng. Khi các trẻ ăn uống, rất nhiều khách hàng sau khi dùng xong bữa sáng đã ngồi tại chỗ châm lửa hút thuốc, khói bay mù mịt. Đáng nói, nhiều ông bố cũng “đu trend” theo trào lưu này mà không quan tâm đến đứa con đang ở bên cạnh mình. Anh Hà Thanh Hải, ở tổ 4, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Mình hút chứ trẻ con có hút thuốc lá đâu mà phải lo.
Nhìn đôi mắt trong veo của con gái anh Hải, mới 7 tuổi, chúng tôi không khỏi lo lắng nếu anh Hải cứ vô tư hút thuốc mọi nơi như vậy. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc lá tại nơi đông người, có nhiều trẻ em ở các quán hàng ăn và địa điểm tập trung đông người như vậy không phải là ngoại lệ. Do nể nang, sợ mất lòng khách, các chủ cửa hàng chưa nhắc nhở khách hàng không được hút thuốc ở không gian kín, đông người, có trẻ em…
Trên thực tế, hút thuốc lá thụ động ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Theo WHO, khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư.
Khói thuốc lá vẫn có thể tồn tại ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được (quần áo, đồ chơi, các vật dụng trong gia đình). Người không hút thuốc nếu thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe giống như những người hút thuốc lá trực tiếp, như nguy cơ mắc ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch. Với trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh do hít phải khói thuốc thụ động còn cao hơn rất nhiều.
Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám Bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho hay: Quá trình khám bệnh, tôi nhận thấy có nhiều trẻ mắc các bệnh đường hô hấp đều có bố hoặc mẹ hút thuốc lá. Đáng buồn là tình trạng này lặp lại rất nhiều lần. Thậm chí nhiều trẻ đã bị mắc bệnh hen. Trẻ em có sức đề kháng kém hơn người lớn nên tác hại của thuốc lá đối với trẻ em càng nguy hiểm hơn, nhất là các bệnh về hô hấp. Người cha hút thuốc, đặc biệt là người mẹ hút thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh hen ở trẻ. Trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn...
Không chỉ vậy, khoa học đã chứng minh, phụ nữ mang thai hút hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá, khi sinh con, thai nhi thường nhẹ cân và dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng tai, chảy dịch, tắc nghẽn tai trong, ho, viêm phế quản, viêm bạch hầu thanh quản, thanh quản, thở khò khè, viêm tiểu phế quản, phổi… Khói thuốc lá còn có thể gây tổn hại tới hệ thần kinh, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận và kỹ năng nhận thức ở trẻ như suy giảm chức năng nhận thức của não, giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt…
Trước những nguy hại của việc hút thuốc lá thụ động, các bậc phụ huynh, trước khi hút thuốc hãy cân nhắc để giữ gìn sức khỏe của bản thân và con cái mình; quan tâm chăm sóc trẻ, không để trẻ tiếp xúc với các môi trường có khói thuốc.
Đặc biệt, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cần nghiêm túc trong việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp hút thuốc lá ở nơi cấm hút thuốc lá, nơi đông người, có trẻ em…