Sinh hoạt khoa học để chiến thắng COVID-19

Cập nhật: Thứ sáu 18/03/2022 - 08:44
 Sau 2 tuần điều trị COVID-19 tại nhà, anh Đỗ Ngọc Hà (ở tổ 6, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) đã được công bố khỏi bệnh. Trong suốt thời gian điều trị, anh vẫn duy trì làm việc trên máy tính.
Sau 2 tuần điều trị COVID-19 tại nhà, anh Đỗ Ngọc Hà (ở tổ 6, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) đã được công bố khỏi bệnh. Trong suốt thời gian điều trị, anh vẫn duy trì làm việc trên máy tính.

Đến hết ngày 16-3, Thái Nguyên có trên 154 nghìn trường hợp F0 điều trị tại nhà khỏi bệnh. Với những F0 đã được công bố khỏi bệnh thì việc trở lại làm việc là niềm vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, với hàng chục nghìn F0 vẫn đang trong thời gian cách ly, điều trị, mọi hoạt động đều bó hẹp trong phòng kín, vừa “bứt rứt” tay chân, vừa canh cánh nỗi lo lây bệnh cho người thân.

Hơn 2 tuần trước, em Nguyễn Hoàng Trang Nhung ở tổ 18, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), mắc COVID-19 khi đi từ Hà Nội về. Được điều trị tại nhà nhưng phải ở riêng một phòng, Nhung cảm thấy mỗi ngày qua đi thật dài. Nhung cho hay: Mình may mắn chỉ bị nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Mỗi ngày của mình đều lặp đi, lặp lại việc ăn, uống các loại vitamin, xông mũi họng… Để đỡ nhàm chán, mình mang giáo trình các môn học ra đọc, làm bài tập và trả bài cho thầy, cô.

Theo chia sẻ của Nhung, những ngày cách ly điều trị tại nhà, Tổ tư vấn điều trị COVID-19 tại cộng đồng của phường thường xuyên gọi điện hỏi thăm, tư vấn cách điều trị bệnh, bổ sung dinh dưỡng, cách phòng tránh bệnh cho những người xung quanh và biện pháp xử lý chất thải theo quy định… nên cô gái này đã vượt qua COVID-19 một cách nhẹ nhàng.

Không được may mắn như Nhung, anh Nguyễn Duy Thịnh, ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), bị ho, sốt cao khi mắc COVID-19. Anh cho biết: Lần đầu mắc COVID-19 (vào cuối tháng 1-2022) tôi không có triệu chứng nhưng ở lần tái nhiễm này, các triệu chứng của bệnh rất rõ. Ba hôm đầu tôi sốt hơn 39 độ C, họng đau rát nên hầu như chỉ nằm một chỗ, ăn cháo loãng; uống nước quả ép, thuốc hạ sốt… Toàn bộ sinh hoạt cá nhân của tôi đều phải có người thân trợ giúp. Tuy nhiên, mọi người đều sử dụng đồ bảo hộ như đeo khẩu trang, tấm kính tránh giọt bắn, găng tay y tế… nên vẫn đảm bảo an toàn với dịch bệnh. Sang ngày thứ 4, các triệu chứng của bệnh thuyên giảm, tôi tự mình vệ sinh cá nhân; nhận đồ ăn từ người thân và chủ động rửa bát, giặt quần áo… để giữ gìn cho mọi người xung quanh. Từ ngày thứ 5 trở đi, ngoài việc ăn, uống, nghỉ dưỡng, tôi đã bắt đầu làm việc trên máy tính. Hiện, sau 10 ngày, tôi đã âm tính và được công bố khỏi bệnh.

Mọi hoạt động của các F0 điều trị tại nhà đều nằm trong không gian bó hẹp của gia đình.

Trong ảnh: Địa điểm cách ly y tế đối với người điều trị COVID-19 ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ).

Khác với trường hợp của em Nhung và anh Thịnh, cách đây 2 tuần, cả 4 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Hải, ở tổ 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), đều trở thành F0. Do cả nhà đều là F0 nên mọi người không phải ở phòng cách ly biệt lập mà vẫn giữ nếp sinh hoạt thường nhật trong khuôn viên gia đình. Hàng ngay, lương thực, thực phẩm phục vụ các bữa ăn của 4 thành viên trong gia đình được người thân tiếp tế…

Thực tế cho thấy, điều trị tại nhà, mọi sinh hoạt hằng ngày của F0 đều nằm trong không gian nhỏ hẹp nên dễ sinh ra tâm tý chán nản. Từ ngày 15/3/2022, Bộ Y tế đã có Quyết định số 616 điều chỉnh Quyết định số 604 ngày 14/3/2022 về việc ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19, trong đó quy định người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà… Với sự điều chỉnh này, người mắc COVID-19 không còn phải giam mình cả ngày trong phòng như trước.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Anh Thắng, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), vừa phát hiện mắc COVID-19 hôm 13-3 nói với chúng tôi: Khi nắm được thông tin Bộ Y tế có những thay đổi trong việc quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19, tôi đã có thể đi lại trong nhà cho đỡ bí bó nhưng khi ra khỏi phòng cách ly có mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà. Mọi sinh hoạt cá nhân không còn bó hẹp trong căn phòng hơn chục 10m2 nên tinh thần đã sảng khoái hơn rất nhiều.

Theo bác sĩ CKII Lê Hùng Vương, chuyên gia điều trị COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Giữ nếp sinh hoạt khoa học, duy trì tập luyện, ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc, bổ sung các vi chất cần thiết… chính là bí quyết giúp chúng ta chiến thắng COVID-19 một cách nhanh nhất. Bác sĩ cũng khuyên mọi người luôn có tinh thần lạc quan để “đi qua” mùa dịch một cách nhẹ nhàng.

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: