Từ ngày 16/8, thí điểm điều trị tại nhà F0 có kiểm soát
Từ ngày 16/8, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình thí điểm chăm sóc tại nhà (home-based care) cho các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 điều trị ngoại trú tại TP. Hồ Chí Minh. Chương trình sẽ sử dụng có kiểm soát ngoài cộng đồng thuốc kháng virus Molnupiravir.
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir tại Mỹ, Ấn Độ đã cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19.
Để bảo đảm việc triển khai chương trình, các trường hợp F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng, cung cấp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe; hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Cùng với đó là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế đối với các F0 để họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Việc cung cấp, sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
Được biết, ngày 15/8, Chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 phòng COVID-19 giai đoạn 1 được khởi động tại Đại học Y Hà Nội. Trước khi tiêm thử nghiệm, hơn 100 tình nguyện viên được khám sàng lọc, làm các xét nghiệm phân nhóm ngẫu nhiên theo tỉ lệ 3:1 (75% ARCT-154 và 25% giả dược) với mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin ARCT-154 hoặc giả dược cách nhau 28 ngày. Các dữ liệu an toàn sau tiêm mũi 1 (ngày 1) đến 7 ngày sau tiêm mũi 2 (ngày 36) sẽ được đánh giá. Nếu dữ liệu này được Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế đánh giá vắc xin ARCT-154 thể hiện tính an toàn, khả năng dung nạp tốt, sẽ xin phép cơ quan quản lý tiến hành sớm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Tính đến nay, cả nước có 92.738 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi. Trong số các trường hợp đang điều trị có 531 ca nặng và nguy kịch. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 255.748 ca mắc COVID-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.601 ca nhiễm). Tổng số liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm là 13.256.472 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.064.617 liều, tiêm mũi 2 là 1.191.855 liều.