Vì môi trường không khói thuốc
Hằng năm, đoàn viên thanh niên huyện Võ Nhai tích cực ra quân tuyên truyền tác hại của thuốc lá. |
Thuốc lá – mối đe dọa tới môi trường của chúng ta là chủ đề của Ngày thế giới không thuốc lá và tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm nay (từ 25 đến 31-5). Với mong muốn xây dựng môi trường sống, làm việc không khói thuốc lá, đảm bảo an toàn sức khỏe con người, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động rất thiết thực hưởng ứng tuần lễ Quốc gia không thuốc lá.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (cơ quan đầu mối về phòng, chống tác hại của thuốc lá) cho hay: Đến nay, chưa có con số thống kê cụ thể về số người trên địa bàn tử vong do hút thuốc lá hằng nằm. Tuy nhiên, theo con số thống kê của các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, số bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá lâu năm, đang phải theo dõi, điều trị ngoại trú hằng tháng lên đến vài nghìn người. Đó là chưa kể các bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp… do sử dụng thuốc lá đã tử vong hoặc đang phải chữa trị trên địa bàn.
Từ chia sẻ của ông Trường có thể thấy, hút thuốc lá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống; có nguy cơ gây hại rất lớn cho sức khỏe con người (cả người sử dụng và người hít khói thuốc lá thụ động). Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, mỗi năm, nước ta có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70 nghìn người/năm.
Đáng nói, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới đang chiếm mức 45,3%, nữ là 1,1%...
Không dừng lại ở đó, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm.
Thực tế này đòi hỏi công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cần được triển khai thường xuyên. Tại Thái Nguyên, việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; hút thuốc lá tại nơi công cộng, cơ sở khám, chữa bệnh… đã được thực hiện.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh, ở môi trường công sở…việc xử lý chưa thực sự “mạnh tay”, mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở là chính.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Chúng ta không nên cả nể lẫn nhau mà cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như hút thuốc lá ở chỗ đông người; tại các địa điểm cấm hút thuốc lá… Tôi cho rằng, các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc lá và tuần lễ Quốc gia không thuốc lá là “cơ hội” để chúng ta thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Là cơ quan thường trực về phòng, chống tác hại của thuốc lá, có nhiệm vụ tổ chức và điều phối thực hiện các chương trình, kế hoạch liên ngành phòng, chống tại hại của thuốc lá trên phạm vi toàn tỉnh, Sở Y tế kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) và tuần lễ Quốc gia không thuốc lá; thường xuyên đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá. Cùng với đó là kêu gọi người dân nói không với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.