Bão số 7 hướng vào Vịnh Bắc bộ, dự báo phức tạp khi có không khí lạnh
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp ngày 8-10. |
Dự báo những ngày tới, bão số 7 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Trước diễn biến mới của bão, ngày 8-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 7.
Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: 1 giờ sáng nay áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 7. Trong những giờ qua, bão di chuyển khá chậm. Trong 24 giờ đầu bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng bắc với tốc độ 10km/giờ và tiếp tục mạnh thêm. Sau đó bão tiếp tục di chuyển về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và suy yếu nhẹ. Khi quay trở lại vào Vịnh Bắc Bộ, bão sẽ mạnh trở lại.
Diễn biến về quỹ đạo và cường độ của bão những ngày sau khi bão đi lên đảo Hải Nam, theo ông Lâm, khả năng áp cao cận nhiệt đới sẽ lấn mạnh về phía tây, đồng thời khi đó không khí lạnh ở phía bắc bắt đầu ảnh hưởng mạnh từ ngày 9, 10, 11-10. Các ảnh hưởng này tác động với cơn bão số 7 nên sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khi bão xuống Vịnh Bắc Bộ.
"Khả năng cao nhất là bão số 7 gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Từ ngày 9 đến 11-10 sẽ gây mưa khu vực phía Đông Bắc Bộ, từ 150-250mm, phía Tây Bắc Bộ từ 50-150mm, trục chính ở Hòa Bình, Yên Bái. Các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Bình có mưa từ 10 đến 12-10, lượng mưa 150-350mm/ba ngày, có nơi trên 350mm", ông Lâm nói.
Dự báo hôm nay mưa rất to sẽ tiếp tục ở Quảng Bình - Quảng Ngãi, Kon Tum. Từ tối nay, mưa giảm nhanh. Nguy cơ lớn nhất trong ngày là lũ trên các sông ở Quảng Trị, Quảng Nam. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao ở hai tỉnh này như Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước (Quảng Nam), Đa krông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Chủ động các phương án ứng phó
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết tình hình tàu thuyền sáng nay còn 60/480 ngư dân của ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang hoạt động trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, các thông tin cho thấy các tàu thuyền vẫn đang bảo đảm an toàn. Còn 2 phương tiện của 11 ngư dân Quảng Ngãi vẫn nằm trong vùng nguy hiểm, tuy nhiên 12 giờ đêm qua, Biên phòng đã đôn đốc Biên phòng Quảng Ngãi yêu cầu hai phương tiện di chuyển xuống phía nam.
"Cập nhật đến thời điểm này thì khả năng hai phương tiện đã thoát ra vùng nguy hiểm xuống phía nam", Đại tá Hưng cho biết.
Ngoài ra, trên khu vực vùng biển bão số 7 đang hoạt động và hướng di chuyển của bão thì không có phương tiện nào đang hoạt động. Với 4.557 phương tiện hoạt động ven biển từ Nghệ An - Quảng Ninh cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của bão thời gian tới, Đại tá Hưng cho biết sẽ căn cứ vào diễn biến của bão để đôn đốc lực lượng kêu gọi phương tiện vào bờ để bảo đảm an toàn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai đánh giá, dự báo mưa ở khu vực Trung Trung Bộ mưa sẽ giảm dần, nhưng từ ngày 9/10 Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Trong khi đó, khu vực này có nhiều hồ chứa đã đầy nước, trong đó có cả hồ chứa thủy điện lớn. Do vậy đề nghị các đơn vị đặc biệt lưu tâm, tránh bị động trong những tình huống mà không lường trước được như mưa cục bộ lớn ở lòng hồ sông Đà, Hòa Bình như năm 2017.
Ở khu vực phía tây của Bắc Trung Bộ, nếu với dự báo có nơi mưa hơn 300mm thì nguy cơ sạt lở đất rất cao, ở các khu vực như Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa), Mường Xén, Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh) nên đề nghị cũng cần hết sức tập trung theo dõi khu vực này.