Đề xuất điều chỉnh, khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Cập nhật: Thứ năm 07/07/2022 - 16:49
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vừa cơ bản hoàn thành công tác rà soát các khu vực dự trữ khoáng sản và quy hoạch có liên quan, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các địa phương.

Tính đến ngày 29-6, Tổng cục đã nhận được báo cáo của 21/23 tỉnh, nơi có các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Tổng cục đã tổng hợp ý kiến của các tỉnh, thu thập các tài liệu địa chất, thông tin về cấp phép hoạt động khoáng sản, các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; tham khảo dự thảo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản mới hiện đang được Bộ Công Thương xây dựng làm cơ sở đề xuất điều chỉnh theo đúng quy định.

Đối với các khu vực dự trữ khoáng sản apatit và titan (gồm 23 khu vực dự trữ titan và 3 khu vực dự trữ apatit), Tổng cục đã hoàn hiện dự thảo Báo cáo kết quả rà soát và đề xuất khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản apatit và titan, Bộ TN&MT đã có Công văn xin ý kiến phối hợp của Bộ Công Thương và của các tỉnh có khu vực dự trữ khoáng sản apatit và titan quốc gia. Tổng cục đã nhận được đầy đủ ý kiến góp ý của Bộ Công Thương và các tỉnh. Riêng tỉnh Bình Thuận, được sự đồng ý của Thứ trưởng, Tổng cục đã tổ chức đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh và khảo sát hiện trạng các dự án.

Tổng hợp các kết quả thực hiện, Tổng cục đã hoàn thành Hồ sơ dự thảo để Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (điều chỉnh) các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với quặng apatit và titan và đang trình, đề xuất Bộ để xin ý kiến các Bộ, ngành và UBND các tỉnh theo quy định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Đối với các khoáng sản còn lại (gồm than, chì - kẽm, cromit, bauxit, sắt - laterit, đá hoa trắng, cát trắng và đất hiếm), trong đó, với các khu vực đã có kết quả đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản và đã được Bộ Công Thương đề xuất bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản hiện đang xây dựng, Tổng cục tổng hợp, khoanh định, dự kiến đề xuất Bộ TN&MT có Công văn lấy ý kiến của Bộ Công Thương làm cơ sở để đề xuất điều chỉnh.

Cụ thể, với khoáng sản than antracit, 1 khu vực khoáng sản than Yên Lập - Đồng Đăng, Quảng Ninh có 1/3 diện tích đã được đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản than tại Quyết định số 403/QĐ-Tg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Khoáng sản cromit có 1 khu vực dự trữ khoáng sản cromit Tích Mễ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Tại Công văn số 1934/BCT-CN ngày 14/4/2022, Bộ Công Thương đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa khu vực khoáng sản quặng cromit Tích Mễ ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quặng cromit quốc gia nêu tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/5/2014 (Quyết định 645).

Khoáng sản chì - kẽm có 1 khu vực dự trữ Khao Tinh Luông, Tuyên Quang. Dự thảo Quy hoạch của Bộ Công Thương đã dự kiến đưa khu vực này vào quy hoạch thăm dò quặng chì - kẽm thời kỳ 2031 - 2050.

Khoáng sản đất hiếm có 1 khu vực dự trữ Mường Hum, Lào Cai. Dự thảo Quy hoạch của Bộ Công Thương đã dự kiến đưa khu vực này vào quy hoạch thăm dò quặng đất hiếm thời kỳ 2031 - 2050.

Với khoáng sản bauxit, một phần của khu vực dự trữ khoáng sản bauxit quốc gia Bù Đăng - Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông và khu vực Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã được Bộ Công Thương dự kiến đưa khu vực này vào quy hoạch thăm dò.

Khoáng sản sắt - laterit có 2 khu vực dự trữ, gồm Chư Prông và Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Dự thảo Quy hoạch của Bộ Công Thương đã dự kiến đưa khu vực này vào quy hoạch thăm dò quặng sắt giai đoạn 2021 - 2050.

Khoáng sản than nâu có khu vực dự trữ Đồng bằng sông Hồng. Khoáng sản than antracit có 5 khu vực dự trữ khoáng sản than antracit trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Khoáng sản bauxit có khu vực dự trữ KonPlong - Kon Hà Nừng và phần còn lại của các khu vực Bù Đăng - Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông và khu vực Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Khoáng sản sắt - laterit có khu vực dự trữ M'Gar và Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Riêng đối với khoáng sản bauxit và sắt - laterit, Tổng cục dự kiến đề xuất Bộ cho phép thành lập đoàn công tác làm việc với các tỉnh Lâm Đồng (tỉnh có diện tích dự trữ lớn sau dự kiến điều chỉnh) để làm rõ hiện trạng các dự án và những vấn đề liên quan.

Đối với các khu vực dự trữ chưa hoàn thành công tác đánh giá tiềm năng khoáng sản, Tổng cục đề xuất bố trí vốn cho các Đề án sớm hoàn thành công tác đánh giá khoáng sản, tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh trong việc rà soát về hiện trạng các dự án đầu tư, các quy hoạch đô thị. Hai khoáng sản nằm trong khu vực này gồm cát trắng và đá hoa trắng.

Trong đó, có 2 khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng, trải dài 5 tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, Tổng cục đang chủ trì thi công đề án "Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát trắng trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam", tuy nhiên, đến nay Đề án mới hoàn thành công tác điều tra, đánh giá khoáng sản cát trắng tỷ lệ 1: 25.000 trên địa bàn các vùng từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế; đối với khu vực cát trắng thuộc TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chưa được điều tra, đánh giá.

Khoáng sản đá hoa trắng có 4 khu vực dự trữ (thuộc địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và Thanh Hóa). Hiện nay, Tổng cục đang chủ trì thi công đề án "Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang", đến nay đề án chưa hoàn thành công tác thi công, tuy nhiên, toàn bộ các diện tích thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia về đá hoa trắng theo Quyết định 645 đã được điều tra, đánh giá ở tỷ lệ 1: 25.000; đã xác định được các khu vực có tiềm năng, sơ bộ đánh giá được tài nguyên đá hoa trắng.

Tổng cục sẽ căn cứ vào kết quả điều tra đến thời điểm hiện tại để điều chỉnh, khoanh định khu vực dự trữ cho phù hợp.


Theo baotainguyenmoitruong.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: