Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ giao đất nguồn gốc nông, lâm trường
Gia đình ông Nguyễn Văn May, ở xóm Bờ La, xã Tân Kim (Phú Bình), nhận giao khoán đất của Công ty Lâm nghiệp Đồng Phú từ hơn 30 năm trước, mong muốn được cấp theo hiện trạng sử dụng. |
Sau khi UBND tỉnh thu hồi diện tích đất sử dụng kém hiệu quả của các nông, lâm trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản hướng dẫn để các địa phương xây dựng định mức giao đất cho người dân. Hiện tại, một số địa phương đã triển khai giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo định mức, nhưng vẫn còn gặp vướng mắc nên tiến độ bị chậm…
Huyện Võ Nhai là một trong những địa phương thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân khá sớm (từ 2017). Phần diện tích này nằm chủ yếu ở 2 xã Dân Tiến và Tràng Xá, trước đây do Công ty Lâm Nghiệp Võ Nhai quản lý và giao khoán cho người dân trồng rừng từ gần 30 năm trước.
Trên cơ sở hồ sơ giao khoán, các hộ canh tác ổn định, huyện Võ Nhai đã xây dựng phương án sử dụng đất, đánh giá hiện trạng sử dụng để cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân. Đến nay, huyện đã giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích hơn gần 800ha. Số diện tích còn lại đang được tiếp tục rà soát để cấp cho các hộ dân.
Còn tại huyện Đồng Hỷ, hiện diện tích đất thu hồi để giao cho người dân đạt hơn 4.000ha. Diện tích này tập trung ở các xã Văn Hán, Cây Thị, Hợp Tiến, với hàng nghìn hộ dân đã nhận giao khoán và canh tác từ lâu.
Theo hướng dẫn định mức giao đất của tỉnh, đến nay huyện Đồng Hỷ đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gần 400 hộ dân. Tuy nhiên, qua đánh giá của lãnh đạo các địa phương này, việc giao đất theo định mức gặp khó khăn, như: Liên quan đến tài sản trên đất; người được cấp khu đất ở trên núi cao thì không có đường đi xuống…
Vấn đề cấp đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường ở huyện Phú Bình hiện cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kim cho hay: Xã có hơn 250ha đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên và được giao khoán cho người dân từ những năm 1990. Thời gian đầu, người dân vẫn nộp khoán nhưng sau đó thì không. Sau khi tỉnh thu hồi từ Công ty Lâm Nghiệp, giao về cho huyện Phú Bình xây dựng phương án sử dụng đất và xây dựng định mức để làm căn cứ cấp giấy Chứng nhận QSDĐ cho người dân, chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát xong.
Hiện nay, theo phương án xây dựng định mức diện tích đất lâm nghiệp/số hộ có đất lâm nghiệp thì định mức khoảng 1,3ha/hộ, nhưng chưa được huyện phê duyệt. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo định mức sẽ gặp nhiều khó khăn, ngoài tài sản trên đất còn có việc người dân trong quá trình canh tác đã nhận chuyển nhượng, nếu bị thu lại họ sẽ thiệt thòi.
Còn ông Hoàng Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Phú Bình) cho biết: Sau khi rà soát, diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn xã có hơn 1.000ha, với gần 1.000 hộ đang canh tác. Hiện xã đã hoàn thành việc xây dựng phương án sử dụng đất và trình phương án định mức giao đất lâm nghiệp cho người dân lên UBND huyện. Tuy nhiên, việc thực hiện phương án định mức giao đất gặp khó khăn, phức tạp…
Tính đến cuối năm 2021, tỉnh đã thu hồi gần 12.000ha đất của các nông, lâm trường. Trong đó, một số địa phương có diện tích thu hồi lớn, như: Đồng Hỷ (hơn 4.000ha); Võ Nhai (1.340); Phú Bình (1.450ha)… Hiện nay, các địa phương đang tích cực rà soát để cấp đất cho người dân theo định mức, nhưng gặp một số vướng mắc như đã nêu nên tiến độ bị chậm. Vì vậy, các cấp chính quyền cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn để việc giao, cấp đất đảm bảo tiến độ và phù hợp với quy định của pháp luật.