Hành vi vứt xác động vật, rác thải xuống sông Đào: Phải cương quyết xử lý

Cập nhật: Thứ tư 17/11/2021 - 12:05
 Xác động vật, rác thải bị người dân vứt tràn lan dưới chân cầu Na Mé (nối xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên của T.P Thái Nguyên sang xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt của huyện Phú Bình).
Xác động vật, rác thải bị người dân vứt tràn lan dưới chân cầu Na Mé (nối xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên của T.P Thái Nguyên sang xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt của huyện Phú Bình).

Thời gian gần đây, tình trạng người dân vứt xác động vật, rác thải xuống sông Đào (kênh Đào) đoạn chảy qua địa bàn huyện Phú Bình diễn ra khá phổ biến. Điều này không những gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân mà hơn hết còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Đi dọc sông Đào từ xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên), qua các xã: Đào Xá, Bảo Lý, Xuân Phương, thị trấn Hương Sơn, Tân Đức (huyện Phú Bình)… chúng tôi thấy nhiều bao tải, túi ni lon đựng rác thải, xác động vật (lợn, gà, chó…) được vứt tràn lan trên lề đường và cả dưới lòng sông.

Có những bao tải đựng xác động vật đang trong thời gian phân hủy bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi bu kín. Dưới chân cầu Na Mé (nối xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên sang xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt của huyện Phú Bình), chúng tôi thấy có vài chục bao tải rác, trong đó có cả xác động vật.

Anh T.X.G, người dân xóm Đồng Tân, xã Đồng Liên bức xúc nói: Ngày nào tôi cũng đi làm qua đây, tôi thấy người dân ý thức chưa cao. Rác thải tiện đâu vứt đó mà không quan tâm đến môi trường sống xung quanh. Có hôm tôi đi qua thấy một con lợn gần 1 tạ được vứt ngay lề đường, trương phềnh, bốc mùi hôi thối, rất mất vệ sinh.

Còn anh H.V.H, xóm Tân Sơn, xã Đào Xá cho biết: Tình trạng người dân vứt rác thải, xác động vật xuống sông diễn ra thường xuyên. Khi nước sông Đào dâng cao, lượng rác thải trôi đi, khi nước cạn, dòng chảy không lưu thông, rác bị mắc kẹt, người dân sống gần sông như chúng tôi phải ngửi mùi hôi thối bốc vào nhà.

Ông Tô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Đào Xá cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không vứt rác thải, xác động vật ra sông làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Phần lớn bà con đều chấp hành. Tuy nhiên, do sông Đào nằm sát đường liên xã, lượng công nhân, người dân ở nơi khác đi qua đây khá đông, vì thế chúng tôi cũng không thể kiểm soát, “bắt quả tang” đối tượng vứt rác thải xuống sông, đặc biệt là về ban đêm. Còn đối với xác động vật, nếu trôi dạt đến địa phận của xã, chúng tôi cũng cử người trục vớt rồi mang đi chôn để đảm bảo môi trường.

Ý kiến của ông Bình cũng là ý kiến của lãnh đạo các địa phương có sông Đào chảy qua khi được chúng tôi hỏi về vấn đề này. Các địa phương cho rằng, việc xử lý người dân vứt rác thải, động vật chết ngay trên lề đường hay dưới lòng sông đều rất khó vì địa phương không có lực lượng để túc trực, xử lý vi phạm.

Sông Đào chảy qua địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện Phú Bình với tổng chiều dài 22km. Thực tế cho thấy, việc phát hiện, xử lý các hành vi vứt xác động vật, rác thải xuống sông Đào không phải là việc dễ. Vì thế, chính quyền các địa phương không riêng huyện Phú Bình cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường.

* Khoản 6 và 10, Điều 5, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, quy định: Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với một trong các hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường. Ngoài ra, người vứt xác động vật ra môi trường còn phải khắc phục hậu quả, bị buộc tiêu hủy xác động vật.

V.V
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: