Không cấp “sổ đỏ” cho người dân tự chuyển đổi đất trồng lúa
Việc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả là vi phạm quy định pháp luật đất đai. Những trường hợp này sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi cơ quan chức năng tiến hành xử lý vi phạm hành chính.
Về vấn đề này, cử tri phản ánh: Có diện tích không nhỏ đất lúa 1 vụ được người dân tự chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhiều năm trước, hiện nay đang có vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do mua bán, chuyển nhượng. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu có quy định đặc thù để tháo gỡ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong trường hợp trên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6, Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, theo Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai thì việc chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thuộc các trường hợp chuyển mục đích phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Còn Khoản 7 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại Khoản 11 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) quy định, hộ gia đình, cá nhân phải đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với UBND cấp xã nơi có đất, trên cơ sở đó UBND cấp xã nơi có đất xem xét quyết định loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi. Đối với trường hợp này thì người dân cũng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định mà không phải là tự chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả.
Căn cứ các quy định nêu trên của pháp luật đất đai, đối với các trường hợp người sử dụng đất đã tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì cần phải xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật đất đai theo quy định tại Điều 206 Luật Đất đai và quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
Việc xem xét, cấp giấy chứng nhận chỉ được thực hiện sau khi đã giải quyết xong việc xử lý vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất trái phép và phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc đề xuất cấp giấy chứng nhận như kiến nghị của cử tri đối với trường hợp nhận chuyển nhượng đất mà người chuyển nhượng đất đã có vi phạm pháp luật sẽ làm hợp thức hoá các vi phạm, khuyến khích vi phạm, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.