Những người “đo gió, đếm mưa”

Cập nhật: Chủ nhật 22/05/2022 - 06:18
 Quan trắc viên của Trạm khí tượng Thái Nguyên kiểm tra các thông số về thời tiết.
Quan trắc viên của Trạm khí tượng Thái Nguyên kiểm tra các thông số về thời tiết.

Giữa không gian phố phường nhộn nhịp, có một địa điểm không nhiều người chú ý đến là Trạm khí tượng Thái Nguyên. Ở đó có những người đang ngày đêm miệt mài, thầm lặng thực hiện công việc “đo gió, đếm mưa” nhằm thu thập các cơ sở dữ liệu, dự đoán tình hình thời tiết để phục vụ đời sống và sản xuất.

Ca trực đầu tiên trong ngày của chị Lục Tiểu Phượng, quan trắc viên Trạm khí tượng Thái Nguyên vào lúc 0 giờ 30 phút. Kiểm tra xong máy móc, chuẩn bị sổ sách, đèn pin và giác đồ, chị khoác chiếc áo mưa mỏng tiến ra khu vực đặt trạm khoan trắc để đo các thông số khí tượng.

0 giờ 45 phút, chị Phượng bắt đầu quan trắc trạng thái mặt đất, nhiệt độ; đúng 1 giờ là quan trắc khí áp, độ ẩm, mây, hướng gió… Toàn bộ các thông tin được tổng hợp, mã hoá và gửi trực tiếp về Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Đông Bắc.

“Mấy hôm nay thời tiết diễn biến bất thường nên theo yêu cầu chúng tôi phải quan trắc lên tục, cứ 30 phút hoặc 1 tiếng/lần, nhất là kiểm tra mây và lượng mưa” - chị Phượng chia sẻ.

Tận dụng gian phòng cũ của Trạm làm nơi ở của gia đình, chị Phượng nói mình thuận lợi hơn mọi người vì ở gần, tiện cho cả công việc và chăm sóc con nhỏ. Có một điều khá đặc biệt ở Trạm khí tượng Thái Nguyên là cả 3 nhân viên đều là nữ và khá trẻ, thuộc thế hệ tuổi 8X. Bất kể thời tiết thế nào, sức khoẻ ra sao thì đều đặn mỗi ngày các chị cũng phải thực hiện quan trắc ở 4 khung giờ cố định là: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ.

Nguyên tắc của cập nhật dữ liệu khí tượng là đồng nhất và chia sẻ toàn cầu nên phải tuyệt đối chuẩn về số liệu, thời gian, chỉ cần chệch một chút, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác là có thể dẫn đến hậu quả lớn. Nhất là khi có các hiện tượng mưa đá, dông lốc bất thường...

Gắn bó hơn chục năm với nghề, chị Nông Thị Hoà từng công tác ở Cao Bằng, Bắc Kạn rồi được điều chuyển về làm Trạm trưởng Trạm khí tượng Thái Nguyên. Chia sẻ về nghề, chị bảo: Công việc không khó, lặp đi lặp lại hằng ngày thành quen nhưng đòi hỏi quan trắc viên phải trách nhiệm, thật sự tập trung và tỉ mỉ để đảm bảo sự chính xác. Chúng tôi phân công nhau luân phiên trực liên tục tất cả các ngày trong năm, bất kể ngày nghỉ hay dịp lễ tết. Dù cơ sở vật chất còn hạn chế nhất định nhưng so với đồng nghiệp ở những trạm vùng sâu, vùng xa thì được làm việc giữa trung tâm thành phố đã là may mắn hơn rất nhiều rồi.

Với đặc thù công việc nên căn phòng trực của Trạm khí tượng Thái Nguyên lúc nào cũng có người. Thời điểm mưa bão, thời tiết bất thường thì cả 3 chị em cùng trực để hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi người đảm nhận một công việc, người ghi chép thông số, người đo gió, đo mưa, người tổng hợp số liệu...

Vì tần suất quan trắc liên tục nên các thành viên của Trạm hầu như thức trắng đêm. Chị Hoà tâm sự: Lâu dần thành quen, ca trực buổi tối tôi không cần đặt báo thức cũng tỉnh dậy đúng giờ; mùa Đông hay Hè, mưa bão ra sao thì cứ đến thời gian quy định là lại lấy sổ sách ra vườn khí tượng ghi chép số liệu.

Dù nhiều vất vả trong công việc và cả cuộc sống nhưng khi được hỏi, những cán bộ của Trạm khí tượng Thái Nguyên đều có chung sự lạc quan và quyết tâm gắn bó với nghề. Với các chị, công việc “đếm gió, đo mưa” không hề nhàm chán và là niềm hạnh phúc khi đóng góp chút công sức nhỏ bé cho xã hội.

Nhị Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: