Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường
Một nhà máy xử lý chất thải tại TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (ảnh minh họa). |
Ngày 29-7, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Hội thảo được kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực môi trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, công tác bảo vệ môi trường của nước ta trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đó là: Chính sách và luật bảo vệ môi trường hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng, đặc biệt, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái hướng tới phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tổ chức chuyên môn về môi trường được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương và tất cả các bộ, ngành; hợp tác trong lĩnh vực khoa học môi trường với quốc tế luôn được tăng cường và mở rộng...
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số những hạn chế. Giai đoạn 2016-2021 môi trường nước ta chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nóng theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; cùng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, đã có nhiều tổ hợp phức tạp quy mô lớn được đầu tư vào nước ta, tạo ra những thách thức lớn trong việc nhận diện, dự báo những tác động của môi trường.
Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn so với dự báo làm phức tạp hơn những diễn biến về môi trường; số lượng các vụ việc, sự cố về môi trường xảy ra liên tiếp, có những vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận.
Có 4 chuyên đề chính được tập trung thảo luận tại hội thảo: Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới thập kỷ phục hồi hệ sinh thái; Công tác đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động đầu tư phát triển; Quản lý chất lượng các thành phần môi trường, nền tảng và mục tiêu của công tác kiểm soát ô nhiễm; Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường.
GS, TS Đặng Thị Kim Chi, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp môi trường, đã đưa ra sáu đề xuất nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập: Cần phải có thêm những quy định, tiêu chí lượng hóa về đa dạng sinh học; áp dụng công nghệ tốt nhất, phù hợp với nước ta và được cơ quan chức năng thẩm định trong việc đánh giá thiệt hại về tài nguyên; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành được cập nhật liên tục theo thực tế;
Cần thêm những công cụ đánh giá tác động môi trường tổng hợp cho một vùng miền; Những tham vấn cộng đồng về đánh tác động môi trường cần phải được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để người dân đóng góp ý kiến, giám sát;
Trong đánh giá tác động của dự án tới môi trường, phải có những cơ chế ràng buộc hơn nữa giữa chủ đầu tư và tư vấn độc lập.