Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường
Ngày 25-12, tại Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai Dự án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”; “Đánh giá hiệu quả hoạt động và tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho Văn phòng Đăng ký đất đai trên toàn quốc”. Điểm cầu Thái Nguyên được tổ chức tại Sở Tài nguyên và Môi trường (ảnh).
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường thời gian qua đã được các địa phương quan tâm, góp phần quản lý hiệu quả hơn nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều bất cập nên phải có đề án cụ thể làm cơ sở để các bộ, ngành, chính quyền địa phương quyết liệt hơn nữa trong triển khai…
Đối với hoạt hoạt động của các Văn phòng đăng ký đất đai, hiện cả nước có 59/63 Văn phòng đăng ký đất đai một cấp. Thời gian, hoạt động của các Văn phòng giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công tác quản lý đất đai. Đồng thời, giúp các tổ chức, cá nhân thuật lợi trong việc thực hiện thủ tục về đất đai. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai vẫn còn những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, cơ chế hoạt động cũng như vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Đối với Thái Nguyên, đến nay, tỉnh đã rà soát, thu hồi hơn 12.000/19.000ha đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường để xây dựng phương án sử dụng, sau đó giao, cấp đất cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng xâm lấn, thiếu sơ đồ mốc giới, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn xảy ra; việc xây dựng phương án sử dụng đất để giao đất, cấp đất cho người dân còn chậm…
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung tham luận, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra định hướng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường hiệu quả, như: Các giải pháp cụ thể để triển khai; sự phối hợp giữa cấp tỉnh với các bộ, ngành… Đối với nội dung hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai, các đại biểu đề xuất cần: Nâng cao về trình độ truyên môn cho cán bộ; đầu tư đổi mới công nghệ; nhân rộng các mô hình, cách làm hay của một số địa phương; xây dựng cơ sở dư liệu đất đai và tiến hành thực hiện đăng ký đất đai trên môi trường điện tử…