Thái Nguyên: Kiểm soát ô nhiễm tại nguồn

Cập nhật: Chủ nhật 08/08/2021 - 13:32
 Nhà máy xử lý nước thải tại Khu A – KCN Điềm Thụy.
Nhà máy xử lý nước thải tại Khu A – KCN Điềm Thụy.

Với 6 khu công nghiệp (KCN) lớn thu hút nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia, bên cạnh chính sách thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, xây dựng nhà máy thông minh, Thái Nguyên đang tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn của KCN, từng bước xây dựng KCN xanh, ít phát thải.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 3 KCN (gồm KCN Sông Công I, KCN Yên Bình và Khu A - KCN Điềm Thụy) trong số 4 KCN đang hoạt động cơ bản thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung đạt quy chuẩn, trạm quan trắc môi trường tự động. Chất thải phát sinh trong các KCN được thu gom, phân loại tại nguồn; lưu trữ, vận chuyển, xử lý đúng quy định. Hầu hết các dự án đầu tư trong KCN đều chấp hành tốt quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Điển hình, KCN Yên Bình có hệ thống XLNT tập trung rất hiện đại, gồm 4 modun với tổng công suất 60.000m3/ngày, đã lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để theo dõi, giám sát. Theo kết quả quan trắc, các thông số môi trường sau hệ thống xử lý nước thải luôn nằm trong giới hạn cho phép cột A - QCVN 40:2011/BTNMT.

Tại KCN Điềm Thụy (được phân thành khu A và B), khu A đã có trạm XLNT tập trung với công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, công suất 3000 m3/ngày, đêm. Nước thải sau xử lý đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT) trước khi xả ra môi trường. Khu B đang xây dựng hệ thống XLNT tập trung, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III/2021.

Trong khi đó, KCN Sông Công II đang triển khai xây dựng hệ thống XLNT. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng được 210ha/250ha (đạt 84% tổng diện tích). KCN Nam Phổ Yên đã có đề xuất triển khai và tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung trong thời gian tới.

Để tăng cường công tác BVMT các KCN, Sở TN&MT Thái Nguyên và Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với cơ quan liên quan đã làm việc với 163 lượt doanh nghiệp (DN). Kết quả, tạm đình chỉ một số DN và yêu cầu các DN này khẩn trương khắc phục vi phạm tồn tại trong lĩnh vực BVMT. Một số DN đã khắc phục như: Công ty Cổ phần Nhật Anh đã đầu tư 300 triệu đồng để duy tu, cải tạo hệ thống BVMT; tháng 4-2020, Công ty đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải trị giá 3 tỷ đồng. Gần đây, Nhà máy Thép Trường Sơn sau khi Sở TN&MT kiểm tra, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về môi trường và đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải…

Thời gian tới, Thái Nguyên xác định sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các KCN, cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề, đặc biệt tại các KCN, CCN chưa có hệ thống XLNT tập trung; chỉ cho phép chủ đầu tư KCN được tiến hành mở rộng sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình BVMT; buộc đối tượng có quy mô xả lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT địa phương. Đặc biệt, chỉ cấp phép đầu tư, xây dựng hoặc cho phép khởi công công trình xây dựng nhà máy đối với các dự án trong KCN khi đã có hồ sơ về môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.

Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025” đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% KCN đang hoạt động, 100% CCN có chủ đầu tư hạ tầng đang hoạt động có hệ thống XLNT tập trung…


Theo Báo Công Thương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: