"Trăm dâu" đổ đầu sông nước
Những con sông đang “chở nặng… ô nhiễm”. |
Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây cho thấy, trong giai đoạn này, chất lượng nước tại các điểm quan trắc trên các lưu vực sông nhiều vị trí vượt quy chuẩn, tập trung chủ yếu ở vùng trung và hạ lưu. Ô nhiễm cục bộ xảy ra ở các đoạn sông chảy qua những khu vực tập trung đông dân cư, khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.
Nước ta có hơn 2.360 con sông - tạo nên những mạch sống của con người và hệ sinh thái. Thế nhưng, soi chiếu từ dọc miền đất nước, có những con sông đang “chở nặng… ô nhiễm”. Phù sa màu mỡ ngày nào phải nhường chỗ cho muôn nẻo nguồn thải.
Ở nhiều vùng nông thôn, dòng sông xanh trong mát những trưa hè, chỉ còn là kí ức. Ở đó, người ta chen lấn ra bờ sông chằng chịt những chuồng trại và miệng cống xả thải. Những bụi tre, khóm chuối lần lượt bị đốn hạ. Nhiều khúc sông đã bị chặn dòng chảy. Người ta thi nhau kè sông, lấn đất. Nhiều trang trại nuôi lợn gà và vịt được khai sinh…
Nhiều cuộc "tiểu di cư" từ trong làng ra bìa xóm. Một khu “tiểu đô thị” vùng quê ra đời. Cứ thế, những ống nước thải chui dần ra dọc hai bờ sông. Nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý vô tư xả xuống, lấy đi sự sống của cá, của tôm, của cua... Người ta quay lưng với dòng sông bao đời, để xả ra những gì không muốn giữ.
Đất nước phát triển, quá trình đô thị hóa là yêu cầu tất yếu. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa một cách xô bồ, thiếu sự thận trọng cần thiết khiến việc xử lý rác thải, nước thải vượt khỏi tầm kiểm soát. Rồi chuyện “công nghiệp hóa” tràn lan chưa có sự nghiêm cẩn và thật sự khoa học trong tính toán cân nhắc, lại “hiện đại hóa” nóng vội, bộc lộ sự thiếu hiểu biết, đã vô tình biến nhiều nơi thành bãi thải công nghiệp, thành phòng thí nghiệm cho những “dự án” hàm hồ mà cái giá phải trả là rất đắt.
Thật bất hạnh cho con sông phải chảy qua những đô thị to nhỏ, nhộn nhạo và nhơ nháp. Nhưng cần phải nhấn mạnh sự dễ dãi đến mức khó tin của các cơ quan chức năng tạo “điều kiện” cho không ít các doanh nghiệp đua nhau xả thải trực tiếp ra sông. Họ tiết kiệm được vô vàn tiền của. Chỉ có dòng sông “phải chết”.
"Sông lấp - sông chết" là lời cảnh tỉnh đáng báo động. Thế giới đã có những bài học lớn cho sự phát triển không bền vững, vì lợi ích trước mắt và hậu quả là con cháu đời sau phải tìm giải pháp khắc phục. Những dòng sông Việt Nam được xem là nguồn tài nguyên vô cùng hấp dẫn để xây dựng các nhà máy thủy điện. Chỉ hơn 20 năm, chúng ta khai thác trên 80% tiềm năng kỹ thuật, gần 1.000 công trình thủy điện lớn nhỏ được xây dựng, làm thay đổi cơ bản hệ sinh thái, môi trường ở hầu hết các lưu vực sông, cùng với những lợi ích do các công trình đưa lại, những tác động của nó đến con người, môi trường, sinh thái cũng vô cùng lớn, không dễ khắc phục.
Chưa dừng lại ở đó, người ta còn tiến hành nhiều dự án lấp sông ở nhiều con sông để xây dựng các cơ sở hạ tầng, các trung tâm thương mại… đã được đưa lên báo chí như vụ lấn sông Đồng Nai, sông Tiền, lấn hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt… Việc xây dựng thủy điện dày đặc trên nhiều dòng sông, lấn sông, hồ… đã và đang gây tác động xấu đến sinh thái môi trường, đem lại những hậu quả nặng nề đến sinh kế của người dân.
Nhiều dự án lấp sông để xây dựng các cơ sở hạ tầng.
Đó là chưa kể đến những dòng sông trót "giàu có" mang trong mình nhiều khoáng vật cũng khó thoát khỏi cảnh bị giày xéo, tan hoang bởi “cát tặc”. Người ta sẵn sàng lật tung cả lòng sông để bới tìm từng hạt quặng. Con người đã giết chết những dòng sông một cách không thương tiếc. Để những hạt phù sa nồng nàn, bỗng trở nên mặn đắng. Vòng luẩn quẩn quanh việc phát triển và bảo vệ môi trường chẳng biết đến bao giờ mới được gỡ bỏ!
Ai đang nghe hàng trăm con sông trên mọi miền đang đêm ngày gào kêu thảm thiết? Lẽ nào phải “phiêu dạt” nốt nửa đời còn lại để giữ vẹn ký ức sông quê?!