Các biện pháp dự phòng tái nhiễm viêm gan C ở người nhiễm HIV

Cập nhật: Thứ hai 17/10/2022 - 10:08
 Xét nghiệm và tư vấn điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi
Xét nghiệm và tư vấn điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Người nhiễm HIV để tránh tái nhiễm viêm gan C tuyệt đối không sử dụng chung bơm kim tiêm với người nghiện chích ma túy, điều trị methadone nếu còn đang sử dụng ma túy, quan hệ tình dục an toàn đối với người nhiễm HIV và cần phải tái khám theo hướng dẫn của cơ sở điều trị.

Theo ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 7,8 triệu người nhiễm viêm gan virus B (viêm gan B) mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm viêm gan virus C (viêm gan C) mạn tính. Trong số này, tỉ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26%-44%). Toàn quốc hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống, trong số một số người nhiễm HIV đang điều trị đồng thời điều trị thuốc ARV và thuốc Methadone.

Các nghiên cứu cho thấy trên người đồng nhiễm viêm gan C/HIV thì HIV làm tăng tỉ lệ nhiễm viêm gan C cấp tính thành mạn tính, tăng nhanh tỉ lệ xơ hóa tiến triển và xơ gan so với người chỉ nhiễm viêm gan C.

Viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.

Có 5 loại viêm gan virus, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền tương tự như HIV bao gồm qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con và có ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn.

Ngoài ra, người đồng nhiễm viêm gan C/HIV thì HIV làm tăng tỉ lệ nhiễm viêm gan C cấp tính thành mạn tính. Đặc biệt tăng tiến triển thành xơ gan và ung thư gan, ngay cả khi đã điều trị HIV bằng ARV. Trên người nhiễm HIV bị viêm gan C thì việc điều trị HIV bằng ARV có thể làm tăng tác dụng phụ gây độc tính lên gan của thuốc ARV. Tuy nhiên, hiện nay đa số người nhiễm HIV được sử dụng loại thuốc ARV mới là TDF/3TC/DTG (TLD) rất ít độc tính lên gan như các thuốc ARV trước đây có EFV/NVP.

Một số nghiên cứu trên nhóm quần thể điều trị khỏi viêm gan C là người hiện còn tiêm chích ma túy cũng cho thấy, tỉ lệ tái nhiễm sau 6 tháng được khẳng định khỏi bệnh khoảng 10%.

Không giống như điều trị HIV và viêm gan B là phải điều trị lâu dài, hiện nay chúng ta đã có thuốc điều trị khỏi viêm gan C dạng thuốc uống, được gọi là thuốc kháng virus trực tiếp (DAA).

Thuốc DAA chỉ điều trị trong trong thời gian ngắn 12 tuần với người bệnh không xơ gan, 24 tuần với người bệnh xơ gan. Tỉ lệ khỏi bệnh cao trên 95% với người bệnh không xơ gan, trên 80%-90% với người bệnh xơ gan mà tác dụng phụ rất hiếm gặp.

Thuốc này có mặt tại Việt Nam từ năm 2015 và đã được BHYT chi trả từ 2019. Phác đồ ưu tiên Bộ Y tế khuyến cáo là SOF/VEL và SOF/DAC có tác dụng lên tất cả kiểu gen mà người bệnh không phải làm xét nghiệm kiểu gen vì xét nghiệm này có mức chi trả khá cao.

Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Chi phí thuốc DAA điều trị viêm gan C được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với tỉ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%.

Cộng đồng cần nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh viêm gan virus, thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm đặc biệt là viêm gan B và C, chủ động tiếp cận dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan. Sự tham gia tích cực của người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C vào việc phát hiện và điều trị viêm gan C sẽ góp phần giảm các trường hợp nhiễm mới và tử vong do viêm gan, hướng tới mục tiêu vì một thế giới không còn lây nhiễm bệnh viêm gan virus và tất cả người bệnh nhiễm viêm gan đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị an toàn và hiệu quả, với chi phí hợp lý.


Theo Tiengchuong.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: