Các tổ chức xã hội: Đồng hành với Chính phủ trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS

Cập nhật: Chủ nhật 03/01/2021 - 11:21
 Hoạt động xét nghiệm HIV trong cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi
Hoạt động xét nghiệm HIV trong cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Nhìn lại những năm đầu của đại dịch HIV/AIDS, chỉ có một số ít các tổ chức phi chính phủ trong nước tham gia vào công tác phòng, chống, tuy nhiên đến nay đã có hàng trăm tổ chức tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức vì cộng đồng

Để tạo hành làng pháp lý cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS việc huy động cộng đồng được quy định ngay trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác. Nhờ đó các tổ chức xã hội tham gia vào phòng, chống HIV/AIDS ngày càng nhiều về số lượng tổ chức và chất lượng hoạt động cũng ngày càng được tăng cường.

Không chỉ có các tổ chức phi chính phủ trong nước, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp xã hội... tham gia phòng, chống HIV/AIDS mà còn có hàng trăm các tổ chức cộng đồng cùng tham gia. Các tổ chức xã hội đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, từ xây dựng, đóng góp ý kiến cho các chính sách, chiến lược, kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đến trực tiếp cung cấp các dịch vụ cho chính cộng đồng của họ; theo dõi giám sát và đánh giá chương trình. Theo thời gian, vai trò và vị thế của các tổ chức xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng đã quá quen thuộc với những cái tên của các tổ chức xã hội đã từng tham gia phòng, chống HIV/AIDS như: Trung tâm Huy động Cộng đồng Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS (VICOMC); Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS); Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe Cộng đồng (RDH) Diễn đàn XHDS hợp tác PC AIDS (VCSPA); Trung tâm Nâng cao Chất luợng Cuộc sống (LIFE); Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến tổ chức xã hội Việt Nam tham gia xây dựng Phát triển Cộng đồng (SCDI); Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD); Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới (CSAGA); Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển (COHED); Trung tâm Nâng cao sức khỏe cộng đồng (CHP); Trung tâm Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (Light); Trung tâm Phòng, chống HIV và các bệnh lây truyền qua Đường Tình dục (ShapC); Trung Tâm Phát triển bền vững (CFSDR); Trung tâm tư vấn pháp luật & chính sách về y tế, HIV/AIDS (CCLPHH)…

Cùng với các tổ chức Phi chính phủ, các nhận tài trợ phụ (SR) mà Bộ Y tế là đơn vị nhóm tự lực, các tổ chức dựa vào cộng đồng cũng được ra đời hoặc hoạt động độc lập hoặc hoạt động dưới sự bảo trợ của các tổ chức phi chính phủ này.

Năm 2010, hưởng ứng lời kêu gọi nộp đề xuất vòng 9 của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Đảng và Nhà nước. Từ năm 2011 đến nay, Dự án VUSTA Dự án Quỹ Toàn cầu liên tiếp được Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét chấp nhận các đề xuất và trở thành đơn vị tiếp nhận viện trợ chính từ năm 2015. Qua các giai đoạn tài trợ, số địa bàn triển khai dự án cũng nhiều hơn và số tiền tài trợ cũng tăng lên…

Thời gian gần đây, nguồnviện trợ quốc tế về HIV/AIDS cho Việt Nam giảm đi do Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nên các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS có sự thay đổi, số tổ chức phi chính phủ giảm đi, tuy nhiên lại xuất hiện những mạng lưới của các cộng đồng người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tham gia phòng, chống HIV/AIDS một cách bền vững và hiệu quả như: Mạng lưới người sống chung với HIV ở Việt Nam (VNP+); Mạng lưới MSM Việt Nam (VNMSM); Mạng lưới các nhóm tự lực hỗ trợ người sử dụng ma túy Việt Nam (VNPUD); Mạng lưới các nhóm tự lực hỗ trợ cho người bán dâm Việt Nam (VNSW); Mạng lưới người chuyển giới Việt Nam (VNTG)…

Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam cũng đã chuyển đổi mô hình như thành lập các doanh nghiệp xã hội tham gia phòng, chống HIV/ AIDS. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự ra đời và đóng góp to lớn của hàng trăm tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đã ra đời và đang hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Khẳng định tầm quan trọng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS

Nhờ hoạt động tích cực, các tổ chức xã hội ở Việt Nam đang ngày càng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong suốt 30 năm qua. Cụ thể, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong vận động chính sách: Ở cấp độ quốc tế và khu vực các tổ chức xã hội đã tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS, góp thêm tiếng nói trong nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu toàn cầu về tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ về HIV và thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững.

Ở cấp độ quốc gia, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đoàn thể cũng như các tổ chức phi chính phủ, các mạng lưới đã tham gia vào việc vận động nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quyền của người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV, vấn đề tiếp cận thuốc giá rẻ, tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách. Họ đã tham gia rất tích cực vào việc xây dựng Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS…

Những người nhiễm HIV, các mạng lưới và các tổ chức phi chính phủ đã góp ý trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS quốc gia, các đề xuất viện trợ từ Quỹ Toàn cầu, Khung chiến lược đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS HIV/AIDS; Đề án bảo đảm tài chính phòng, chống HIV/AIDS,... thông qua tổ chức các đối thoại quốc gia, các diễn đàn, hội nghị và tham dự các cuộc họp do các Bộ, ngành tổ chức.

Trong cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội đã trực tiếp cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ cho người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, hỗ trợ chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ tại những lĩnh vực hoặc những vùng mà dịch vụ của chính phủ chưa bao phủ hết hoặc các dịch vụ đó là ưu thế của các tổ chức cộng đồng.

Cụ thể như: Truyền thông; tư vấn; chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS; tiếp cận các nhóm có hành vi nguy cơ cao để truyền thông, tư vấn, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm; chuyển gửi điều trị Methadone; tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; hỗ trợ giới thiệu, chuyển gửi đến các dịch vụ y tế và xã hội...

Trong báo cáo tiến độ phòng, chống HIV/AIDS của quốc gia (Báo cáo UNGASS) năm 2014 ghi nhận các tổ chức xã hội tại Việt Nam đã cung cấp từ 51-75% dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người nhiễm HIV, 25-50% dịch vụ chăm sóc cho trẻ mồ côi và bị ảnh hưởng bởi HIV, 25- 50% dịch vụ dự phòng cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và thanh niên.

Ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng tham gia các lĩnh vực khác như tham gia nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và huy động những nguồn lực lớn từ các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Như vậy có thể thấy, các xã hội ở Việt Nam trong suốt 30 năm qua đã ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Vai trò và vị thế của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được các cơ quan nhà nước và cộng đồng ghi nhận.

Trải qua 30 năm ứng phó với HIV/AIDS, các tổ chức xã ngày càng khẳng định tầm quan trọng của họ và tiếp tục có những hoạt động cam kết, đồng hành với chính phủ trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.


Theo Tiengchuong.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: