Cai nghiện ma túy ở Võ Nhai
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều đối tượng nghiện ma túy được gia đình hỗ trợ đến các cơ sở y tế tại huyện Võ Nhai điều trị bằng Methadone, bảo đảm sức khỏe để có thể tham gia lao động, có thêm thu nhập. |
Là huyện vùng cao còn khó khăn về kinh tế - xã hội, việc tổ chức quản lý người nghiện ma túy, phát hiện và xử lý đối tượng, địa bàn “nóng” về ma túy lại càng khó khăn hơn. Từ năm 2015 về trước, việc quản lý các đối tượng liên quan đến ma túy (người nghiện, người có tiền án và người nghiện sau cai) còn nhiều hạn chế do các chế tài quản lý và sự phối hợp giữa địa phương với các cơ quan chuyên môn chưa chặt chẽ. Chính vì vậy, người nghiện luôn tìm cách né tránh cơ quan chuyên môn; gia đình, chính quyền địa phương ngại tố giác, nên các vấn đề mất an ninh trật tự diễn biến phức tạp.
Đồng chí Triệu Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của những năm trước chủ yếu do việc áp dụng thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 221 của Chính phủ và các văn bản liên quan đến quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều bất cập. Nếu như trước đây, các đối tượng nghiện sau khi được phát hiện chỉ cần có xác minh của lực lượng công an là có thể đưa thẳng vào các cơ sở cai nghiện, thì từ năm 2014 đến nay, áp dụng theo Nghị định số 221 của Chính phủ, để đưa người vào trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc phải có quyết định của Tòa án sau khi qua các bước thẩm tra của các đơn vị: Công an, Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội nên mất nhiều thời gian. Trong khi chờ có quyết định từ Tòa án, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở quản lý, nhưng không phải ở xã, thị trấn nào cũng có nhà lưu giữ. Mặt khác, Nghị định số 221 đề ra quy định không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng đang cai nghiện ma túy tại cộng đồng và đối tượng đang điều trị bằng Methadone đã tạo ra kẽ hở cho đối tượng nghiện “thoát” cai nghiện bắt buộc”.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, chủ động giúp đỡ người nghiện áp dụng các hình thức cai nghiện; tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy… Năm 2018, toàn huyện đã tổ chức cai nghiện cho 24 đối tượng, vượt gần 200% chỉ tiêu tỉnh giao và đến nay, qua giám sát của cơ quan chuyên môn, các đối tượng này đã trở về hòa nhập cộng đồng. Năm 2019, đến thời điểm này, huyện đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 24 đối tượng trong diện bắt buộc, vượt 250% chỉ tiêu tỉnh giao. Đạt được kết quả đó, các cơ quan chuyên môn đã xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, bảo đảm đúng người và kịp thời. Cụ thể như: Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; đối với người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật, chủ tịch UBND cấp xã phải xác minh, trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…
Đầu năm 2019, huyện tổ chức tăng cường lực lượng công an chính quy về cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa bàn. Đơn cử, tháng 5 năm 2019, lực lượng Công an chính quy được bố trí đảm nhiệm các chức danh Công an xã Cúc Đường. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Công an xã đã lập kế hoạch đấu tranh, giải quyết tệ nạn ma túy ở xóm Tân Sơn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an xã đã phát hiện, bắt 1 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, lập hồ sơ đưa 1 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, vận động 4 đối tượng cai nghiện tại cộng đồng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp tổ chức đấu tranh ngăn chặn tội phạm về ma túy và tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai đồng bộ trên địa bàn huyện, đã góp phần giảm từ 193 đối tượng nghiện (năm 2018), đến nay còn 176 đối tượng.