Chắp cánh cho các ‘sáng kiến cộng đồng’ vì một Việt Nam phòng chống HIV bền vững
Các thi sinh chuyển giới cuộc thi Miss Beauty Queen (Aloboy) tập huấn về chủ đề PrEP. Ảnh: Tống Nam |
Những sáng kiến cộng đồng với nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch HIV vẫn tiếp tục tập trung ở nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt trong những năm gần đây tỉ lệ lây nhiễm đang phát triển mạnh ở nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) , với khoảng 13.3% (theo số liệu Cục Phòng, chống HIV/AIDS), và có thể cao hơn ở những nhóm có nguy cơ kép là MSM có sử dụng chemsex hay MSM đồng nhiễm STIs. Dự kiến trong những năm tới, tỉ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục vẫn tiếp tục gia tăng.
Chắp cánh cho 10 sáng kiến cộng đồng nổi bật
Với mong muốn tăng cường kết hợp thực tiễn với đổi mới hợp lý, bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng nhằm giảm đáng kể nhiễm HIV mới và cung cấp các dịch vụ y tế đầy đủ cho những nhóm đối tượng chính của dự án, qua đó đóng góp vào việc triển khai thành công Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Dự án VUSTA đã chắp cánh cho 10 sáng kiến cộng đồng, kêu gọi các sáng kiến từ các tổ chức cộng đồng và mạng lưới ở 15 tỉnh, thành phố có sự tài trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tham gia vào xây dựng và phát triển các ý tưởng sáng tạo.
Các sáng kiến đi sát mục tiêu cung cấp các can thiệp dựa vào cộng đồng có tính sáng tạo và hiệu quả tại 15 tỉnh/thành phố của dự án nhằm giảm đáng kể các ca nhiễm HIV mới và loại trừ các lây nhiễm HIV trong số các nhóm đối tượng chính của dự án, bao gồm MSM, chuyển giới nữ, người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm. Củng cố và tăng cường các hệ thống cộng đồng để ứng phó linh hoạt và bền vững đối với dịch HIV/AIDS. Đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi và tăng cường năng lực trong ứng phó và giảm thiểu các tác động của COVID lên chương trình phòng chống HIV/AIDS (DA C19RM)
Ông Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc kĩ thuật – Dự án VUSTA cho biết, các tổ chức cộng đồng, mạng lưới ngày càng thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực. Với rất nhiều ý tưởng mới lạ, tạo tác động với sự lan tỏa mạnh mẽ. VUSTA trong nhiều năm qua đã ươm mầm và trợ giúp cho rất nhiều ý tưởng của các mạng lưới cộng đồng nhóm đích (MSM-TG, FSW, IDU,..), và trong 2 năm trở lại đây, VUSTA tiếp tục mở rộng đón những sáng kiến mới từ các CBO (tổ chức cộng đồng).
Đã có 8 sáng kiến nổi bật được lựa chọn và hỗ trợ kĩ thuật để thực hiện ý tưởng với đa dạng các hoạt động đến từ các tỉnh thành Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, Nghệ An, Thái Bình.
Việc truyền thông và đào tạo hỗ trợ trực tiếp vẫn là lựa chọn của một số tổ chức. Liên minh các nhóm tự lực phòng chống HIV/AIDS tại Thái Bình đã đưa ra sáng kiến Tăng cường kết nối và duy trì điều trị PrEP cho các nhóm khách hàng có nguy cơ cao với HIV/AIDS ở Thái Bình và các tỉnh lân cận trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Doanh nghiệp xã hội Minh Phát (Nghệ An) chọn lựa tập huấn kiến thức về dự phòng, chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà, đồng thời cũng nâng cao năng lực cho các thành viên sử dụng các công cụ trực tuyến trong việc tiếp cận, truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS.
Nhiều sáng kiến hướng đến mục tiêu chung của quốc gia 95-95-95
Các tổ chức MSM với thế mạnh về các sáng kiến trực tuyến còn có tổ chức Gia Tộc Rồng (TPHCM) thực hiện dự tăng cường sự tham gia điều trị PrEP - PEP cho MSM thông qua tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực và kiến thức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 với nhiều hoạt động từ tổ chức mini-game, chơi trò chơi trực tuyến, thực hiện các radio online, hay livestream. Phòng khám cộng đồng Glink Đồng Nai thực hiện chiến dịch « Tôi yêu PrEP » bằng việc chụp bộ ảnh, quảng bá chương trình và thúc đẩy cộng đồng đến tiếp nhận PrEP. Hay CBO Strong Ladies (TPHCM) thì lựa chọn nền tảng tiktok để tổ chức cuộc thi và tiếp cận các trường đại học/cao đẳng để truyền thông nâng cao nhận thức của nhóm người trẻ tuổi về HIV/AIDS.
Tổ chức Aloboy cũng đã gây tiếng vang lớn khi tổ chức cuộc thi Miss Beauty Queen, song hành cùng các người đẹp chuyển giới truyền thông về các vấn đề sức khỏe liên quan đến HIV, chuỗi hoạt động của cuộc thi đã thu hút hàng chục nghìn người xem, và tiếp cận các thông tin của chương trình. Tổ chức Kết Nối Trẻ thực hiện sáng kiến « Bản đồ dịch vụ HIV trực tuyến » khi biến website www.ketnoitre.org trở thành một bản đồ cung các đơn vị cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện cung các dịch vụ HIV, methadone, bệnh tình dục,… thân thiện, giá cả hợp lý với chất lượng tốt. Khách hàng hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ sở gần nhất với thông tin rõ ràng và chỉ đường (google maps) thuận tiện nhất.
Anh Nguyễn Minh Thuận (Tổ chức Aloboy) cho biết, Dự án VUSTA vẫn luôn chắp cánh cho các ý tưởng đổi mới từ cộng đồng, qua đó giúp các ý tưởng đó hiện thực hóa, giúp truyền thông đến cộng đồng đích một cách ý nghĩa, đặc biệt hơn, khi xuyên suốt dự án, cộng đồng vẫn luôn là trung tâm của chăm sóc, hỗ trợ. Qua dự án, vị thế của Aloboy trong cộng đồng được nâng cao, lượng khách hàng đích tìm đến chúng tôi nhờ trợ giúp cũng thay đổi.
Anh Tống Văn Nam, nhóm Kết Nối Trẻ cho biết: Từ những ý tưởng sơ khởi, dự án VUSTA đã cùng hỗ trợ kĩ thuật để dự án được thành hình. Dự án Bản đồ dịch vụ HIV là ấp ủ của Kết Nối Trẻ với mong đợi có được một kênh tìm kiếm dịch vụ y tế thân thiện, gần nhất với nhu cầu của cộng đồng.
Chia sẻ ý kiến về vai trò của các tổ chức dựa vào cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ông Phạm Nguyên Hà, cho rằng các tổ chức dựa vào cộng đồng là lựa chọn tốt nhất cho các cộng đồng bị thiệt thòi, yếu thế vì CBO có thể thấu hiểu và tăng cường sự tham gia của nhóm đích để vận động thay đổi, điều này cuối cùng củng cố cam kết của cộng đồng trong việc kiểm soát HIV. Ông Hà khẳng định, trong thời gian tới, Ban quản lý dự án VUSTA sẽ tiếp tục đón nhận và chắp cánh cho các sáng kiến vì cộng đồng, hướng đến mục tiêu chung của quốc gia 95-95-95.