Cộng đồng chung tay bảo đảm bền vững kết quả điều trị HIV/AIDS
Các tổ chức cộng đồng chung tay góp phần cung cấp gói dịch vụ dự phòng HIV hiệu quả trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: Tống Nam |
Tác động của đại dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân khiến cho Việt Nam thiếu hụt nguồn thuốc kháng ARV điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS. Bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế trong việc đưa ra những giải pháp giải quyết sự thiếu hụt của thuốc, các tổ chức xã hội cũng đang cùng chung tay để giải quyết những thách thức, góp phần bảo đảm kết quả điều trị và giúp những người nhiễm HIV điều trị bền vững.
Nỗ lực ứng phó sự thiếu hụt thuốc của cả cộng đồng
Đại dịch COVID-19 kéo theo nguy cơ thách thức đáng kể đối với những người nhiễm HIV, những người cần được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Việc người nhiễm HIV tiếp cận với điều trị ARV liên tục, không bị gián đoạn chính là chìa khóa để duy trì sức khỏe và giữ cho virus được kiểm soát để không thể lây truyền cho bạn tình. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, đối với những người nhiễm HIV, nếu được đưa vào điều trị sớm, tuân thủ điều trị ARV, một người từ 20 tuổi nhiễm HIV, có thể sống thêm 50-60 năm, tuổi thọ gần như người bình thường. Tuy nhiên, nếu người nhiễm virus HIV nếu không được điều trị sẽ sớm bị chuyển sang giai đoạn cuối (AIDS) và tử vong sớm. Đối với những bệnh nhân điều trị thuốc kháng, việc gián đoạn điều trị ARV có thể gây ra những hậu quả lâu dài nguy hiểm.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh/thành cần đặc biệt quan tâm triển khai các hướng dẫn chuyên môn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về điều trị ARV, tư vấn, xét nghiệm, dự phòng lây nhiễm, mở rộng chăm sóc, điều trị và giám sát dịch HIV/AIDS. Đẩy mạnh các biện pháp ứng phó, lấy khách hàng làm trung tâm và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, tập trung vào các vấn đề ưu tiên mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã nêu ra để Việt Nam có thể tiến đến Mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đặc biệt, trước mắt đề nghị các nhà tài trợ PEPFAR, Quỹ Toàn cầu hỗ trợ Bộ Y tế các giải pháp trong cung ứng thuốc ARV, bảo đảm người bệnh HIV/AIDS được điều trị ARV liên tục, không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, nhằm tránh nguy nhiễm COVID-19 đối với các bệnh nhân HIV/AIDS, Bộ Y tế đã nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn mới, chỉ đạo ngành Y tế các tỉnh địa phương thực hiện các biện pháp để giúp những người nhiễm HIV có thể lấy thuốc ARV tại phòng khám HIV gần nhất và khuyến khích sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để nhận và giao thuốc điều trị ARV tại nhà. Ngoài ra, việc cấp phát thuốc nhiều tháng là trọng tâm và nhanh chóng áp dụng trên cả nước.
Để chung tay hỗ trợ, giải quyết sự thiếu hụt nguồn thuốc ARV do dịch bệnh COVID-19, Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và những đối tác quan trọng đã hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu liên quan đến HIV trong môi trường cộng đồng, bao gồm xét nghiệm và điều trị HIV cũng như dự phòng PrEP. Sau khi COVID-19 được báo cáo lây lan trong cộng đồng, PEPFAR, Quỹ Toàn cầu, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, CDC và các đối tác cộng đồng đã làm việc cùng nhau để tăng cường khả năng phục hồi của các dịch vụ HIV. Các ưu tiên hàng đầu bao gồm: Giảm thời gian ở các cơ sở y tế đồng thời duy trì phương pháp tiếp cận cung cấp dịch vụ HIV lấy khách hàng làm trung tâm, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng đã được sửa đổi để giảm khả năng lây truyền COVID-19, tiếp tục nỗ lực xác định các trường hợp nhiễm HIV mới trong khi tránh các hoạt động tập trung, thực hiện các chiến lược giám sát và đánh giá trực tuyến.
Những thách thức của đợt bùng phát COVID-19 đã nêu bật một số bài học quan trọng cho các chương trình phòng chống HIV trong tương lai. Trong tình trạng khẩn cấp chưa từng có về y tế công cộng, các chương trình HIV vẫn có khả năng phục hồi thông qua sự kết hợp của sự đổi mới và tính linh hoạt.
Bên cạnh đó, các tổ chức cộng đồng cũng góp phần duy trì các dịch vụ HIV thiết yếu trong khi vẫn giữ an toàn cho khách hàng, nhân viên y tế và cộng đồng. Điều này đạt được thông qua sự kết hợp của việc mở rộng quy mô nhanh chóng của các biện pháp can thiệp đã được thiết lập, cũng như sử dụng các chiến lược mới chưa từng được thực hiện ở Việt Nam.
Góp phần đẩy nhanh những nỗ lực ứng phó với sự thiếu hụt thuốc ARV, Mạng lưới người sống chung với HIV tại Việt Nam (VNP+), cùng các tổ chức phi Chính phủ (NGO), tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) làm việc trong công tác phòng, chống HIV trên khắp cả nước đã liên tục cập nhật tình hình của cộng đồng, cùng đối thoại với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) để nhanh chóng có các chiến lược mới đáp ứng nhanh với nhu cầu của gần 250.000 người sống chung với HIV.
Đối với nhiều người nhiễm HIV, việc tiếp cận được nguồn thuốc ARV tại một trung tâm gần nhất mà phải di chuyển về địa phương đang điều trị là một đổi mới mạnh mẽ trong bối cảnh dịch COVID. Nhiều khách hàng bị mắc kẹt tại các địa phương khác không phải nơi mình cư trú trước thời điểm bùng dịch với một số lý do phổ biến như: Đi du lịch, đi công tác, về quê hoặc vô tình nằm trong các địa phương có lệnh giãn cách và khách hàng không thể quay lại nơi nhận thuốc ban đầu. Việc nhanh chóng phản ánh với cơ sở y tế địa phương cũng như góp ý nhanh cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS để có hướng xử lý nhanh đã được áp dụng triệt để.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong bối cảnh dịch COVID-19
“Thông tin ARV-COVID” - Một group do mạng lưới VPN+ đã thành lập trên nền tảng Zalo ngay khi thời điểm dịch COVID bùng phát và bắt đầu có những diễn biến phức tạp, đây là hội nhóm quy tụ 111 thành viên đại diện cho hàng trăm nhóm cộng đồng/CBO/nhóm tự lực làm về chương trình HIV phủ sóng trên cả nước có thể đáp ứng khẩn cấp các nhu cầu cấp bách của cộng đồng người sống chung/người bị ảnh hương bởi HIV như thiếu thuốc, mất thuốc, các trường hợp xin thuốc hoặc liên hệ cơ sở y tế địa phương gần, dự phòng PrEP/PEP,… Nhóm cũng huy động cồng đồng trong việc dự trù một nguồn thuốc ARV để bảo đảm có thể hỗ trợ những trường hợp khẩn cấp, tránh tình trạng bị gián đoạn điều trị tối đa. Ngoài ra, đây cũng là nhóm giúp ghi nhận nhanh tình hình HIV và COVID nhanh chóng ở các địa phương, phản ánh với phía chính quyền/CDC cấp tỉnh hoặc kiến nghị cho VAAC để có hướng xử lý kịp thời.
“Những người sống với HIV đang phải di dời vì đại dịch. Một số bị mất nguồn thu nhập và phải trở về nơi ở cũ sau khi mất việc làm. Bảo đảm việc điều trị không bị gián đoạn là một phần không thể thiếu trong công việc của chúng tôi để hỗ trợ cộng đồng kịp thời ”, anh Nguyễn Anh Phong – VNP+ khu vực phía Nam cho biết.
Để xác định các trung tâm điều trị gần nhất, danh sách các phòng khám điều trị ARV đã được phổ biến thông qua các kênh khác nhau. Một bản đồ bao gồm tất cả các trung tâm điều trị HIV và PrEP cũng được các tổ chức cộng đồng tại địa phương nhanh chóng xây dựng chi tiết từ địa chỉ, link bản đồ đến phòng khám và người liên hệ là nhân viên y tế cũng như nhân viên hỗ trợ cộng đồng.
Với mối đe dọa của COVID-19 ở Việt Nam, tất cả các hoạt động trực tiếp của chương trình HIV như họp, đào tạo, định hướng và hỗ trợ kỹ thuật, đã bị tạm dừng và chuyển sang các tổ chức cộng đồng chấp nhận việc sử dụng công nghệ, bao gồm các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội, hội nghị trực tuyến và livestream cũng như các cuộc hẹn tư vấn trực tiếp qua điện thoại để duy trì các hoạt động tiếp cận và tiếp tục duy trì hỗ trợ liên tục.
Để ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của COVID-19 trong các cộng đồng, phương pháp tiếp cận sáng tạo như chiến lược tự xét nghiệm và xét nghiệm mạng xã hội, web tuxetnghiem.vn để tư vấn và nhận test nhanh chóng gần nơi ở nhất. Các cuộc trò chuyện trực tuyến (livestream) chia sẻ nhiều vấn đề về liên quan đế HIV và COVID, chemsex đã thu hút các đối tác sử dụng tình dục sử dụng ma túy tổng hợp và chấm dứt hoạt động tập trung đông người. Việc phân phối bộ dụng cụ tự xét nghiệm HIV giảm thiểu nguy cơ lây truyền COVID-19 cho cả nhóm tiếp cận cộng đồng và khách hàng, đồng thời duy trì nỗ lực xác định và chẩn đoán những khách hàng mới sống chung với HIV. Cả tự xét nghiệm HIV và truyền thông tạo cầu trên mạng xã hội đều là những ví dụ về các biện pháp can thiệp sáng tạo đã được lên kế hoạch để mở rộng quy mô, được tiến hành nhanh chóng vì nhu cầu an toàn cần thiết của đại dịch COVID-19.
Những người nhiễm HIV có thể chia sẻ và hỏi thông tin thông qua các nền tảng khác nhau. Các đường dây hotline của các tổ chức cộng đồng tại địa phương, Zalo, fanpage facebook, website,... đã giúp phổ biến thông tin về các trung tâm điều trị hiện có và đưa ra lời khuyên về cách tiếp cận liệu pháp điều trị ARV nhanh chóng và hiệu quả.
Tăng cường phối hợp để không ai bị bỏ lại phía sau
Các bài học kinh nghiệm trong đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được thực hiện như những phương pháp sáng tạo trong việc lấy khách hàng là trung tâm để hỗ trợ và chăm sóc. ARV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và sử dụng các phương pháp tiếp cận mạng xã hội để xác định các nhóm dân số chính và dễ bị tổn thương giờ đây sẽ được tích hợp vào gói chương trình tiêu chuẩn được cung cấp trên toàn Việt Nam. Việc sử dụng các nền tảng ảo đã được chứng minh là vô cùng hiệu quả và sẽ ngày càng trở thành một thành phần quan trọng của việc lập kế hoạch chương trình, không chỉ vì những lợi ích cho sức khỏe và an toàn, mà còn là tiềm năng cho những tiến bộ về hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Các biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế cũng sẽ rất quan trọng, không chỉ để kiểm soát COVID-19 mà còn để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh lao (TB) và các bệnh truyền nhiễm khác có thể lây truyền trong cơ sở y tế.
Quan trọng nhất, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tăng cường hơn nữa sự phối hợp và cộng tác giữa các bên liên quan về y tế công cộng. Việc bảo đảm cung cấp dịch vụ HIV có khả năng phục hồi sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự cam kết, tận tâm và hợp tác giữa Bộ Y tế, VAAC, các nhà tài trợ chiến lược của Việt Nam như PEPFAR, Quỹ Toàn cầu, các nhóm quản lý y tế khu vực, các nhà lãnh đạo cộng đồng và quan trọng nhất là các thành viên cộng đồng. Sức mạnh mới của các mối quan hệ đối tác này sẽ là nền tảng của các chương trình phản ứng vì sức khỏe cộng đồng trong tương lai đối với công cuộc phòng chống HIV, COVID-19 và hơn thế nữa.
Đại dịch COVID-19 là một thời kỳ khó khăn đối với tất cả mọi người, nhưng điều đáng khích lệ là nó đã là chất xúc tác cho sự thay đổi trong cách cung cấp các dịch vụ điều trị HIV. Tiếp tục mở rộng điều trị ARV sẽ đồng nghĩa với việc tích hợp các dịch vụ HIV vào hệ thống y tế công cộng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân và cộng đồng. Đại dịch này đã chứng minh rằng những nỗ lực của các tổ chức cộng đồng cũng như sự chung tay vượt khó là đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ những người cần ARV nhất tiếp cận nguồn thuốc và bảo đảm rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.