Cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu đối mặt nhiều thách thức
Cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 1. |
Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc chiến chống "căn bệnh thế kỷ" đang đứng trước nhiều thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng khác.
Thế giới có thể chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, nhưng để đạt được điều này các quốc gia cần phải hành động mạnh mẽ
Liên Hợp Quốc vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình dịch HIV/AIDS toàn cầu năm 2022, trong đó cảnh báo cuộc chiến chống "căn bệnh thế kỷ" đang đứng trước nhiều thách thức.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về phòng, chống HIV/AIDS (UNAIDS), ước tính có khoảng 38,4 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với HIV, trong đó khoảng 75% đang điều trị bằng thuốc kháng virus. Riêng trong năm 2021, số người nhiễm HIV trên toàn thế giới ước tính khoảng 1,5 triệu ca, giảm 3,6% so với năm trước đó.
Đây là tốc độ giảm chậm nhất kể từ năm 2016. Trong những năm gần đây, các khu vực Đông Âu, Trung Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi đều ghi nhận số ca nhiễm mới HIV hằng năm gia tăng. Philippines, Madagascar, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan là những quốc gia có mức tăng số ca nhiễm mới HIV cao nhất kể từ năm 2015.
Đáng chú ý, một số khu vực như châu Á-Thái Bình Dương trước đây ghi nhận số ca nhiễm mới HIV giảm thì nay gia tăng trở lại. Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima cho biết, các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu như xung đột tại Ukraine và khủng hoảng kinh tế đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với cuộc chiến chống dịch HIV/AIDS.
Còn theo Phó Giám đốc điều hành UNAIDS Matthew Kavanagh, trong 2 năm qua, các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đã bị gián đoạn ở nhiều quốc gia, các nguồn lực bị thu hẹp và hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm.
Theo UNAIDS, đại dịch COVID-19 đã cản trở việc thực hiện các sáng kiến phòng, chống HIV/AIDS, trong khi các sự kiện khác xảy ra trên thế giới như cuộc xung đột ở Ukraine buộc các quỹ phải chuyển hướng tập trung.
UNAIDS ước tính năm 2021 có khoảng 38,4 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với HIV, trong đó khoảng 75% đang điều trị bằng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, số người được điều trị HIV/AIDS trong năm ngoái tăng chậm nhất trong hơn một thập kỷ. Năm 2021 có 650.000 ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Theo cơ quan trên, dự tính cần thêm 29 tỷ USD cho công cuộc chống HIV/AIDS ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và tiến tới chấm dứt dịch bệnh này trên toàn cầu.
Người đứng đầu UNAIDS nhấn mạnh thế giới có thể chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, nhưng để đạt được điều này các quốc gia cần phải hành động mạnh mẽ.