Điều trị, dự phòng ứng phó với HIV
Các chuyên gia vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để tìm ra vaccine phòng, chống HIV. |
Tìm ra loại vaccine chống lại loại virus gây ra căn bệnh thế kỷ AIDS vẫn đang là bài toán chưa lời giải đáp đối với các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, những kết quả nghiên cứu mới dây trong điều trị, dự phòng và chiến lược ứng phó mới đã mang lại hy vọng mới cho việc ngăn ngừa virus HIV.
Cấy thuốc dự phòng PrEP
PrEP có nghĩa là điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV. Hiện tại, thuốc PrEP đang sử dụng ở Việt Nam có tên là Truvada (thuốc kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine).
Mới đây, các chuyên gia nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm cấy MK-8591 (chất ức chế chuyển dịch sao chép ngược nucleoside mới) trong người các đối tượng tham gia nghiên cứu trong 12 tuần (hai liều là 54 mg và 62 mg). Kết quả cho thấy thuốc được dung nạp tốt và cung cấp lượng MK-8591 cần thiết dự phòng HIV trong ít nhất một năm. Kết quả ban đầu này rất hứa hẹn và thử nghiệm sẽ tiếp tục để đánh giá kết quả dài hạn.
“Việc cấy PrEP tạo ra một sự lựa chọn khác ngoài đường uống và tiêm. Nó có thể là một giải pháp hứa hẹn cho những người gặp khó khăn trong tuân thủ sử dụng PrEP hàng ngày”, ông Anton Anton Pozniak, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế phòng, chống AIDS (IAS) cho hay.
Sử dụng PrEP trong ngày
Nam có quan hệ tình dục với đồng giới (MSM) chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm HIV mới ở Mỹ Latinh, tuy nhiên việc sử dụng PrEP vẫn còn rất hạn chế. Trong nghiên cứu này, nhóm MSM và nhóm chuyển giới nữ, tại Brazil, Mexico và Peru được được cung cấp thuốc PrEP là TDF/FTC trong 30 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động là khả thi và an toàn.
Thử nghiệm vaccine HIV mang tên ASCENT
Đây là một nghiên cứu ngẫu nhiên, đối chứng có kiểm soát ở giai đoạn 2a đối với người trưởng thành khỏe mạnh, có nguy cơ thấp, âm tính với HIV ở Kenya, Rwanda và Hoa Kỳ.
Nghiên cứu cho thấy cả hai loại vaccine được dung nạp và có tính miễn dịch tốt. Với kết quả này, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ và các đối tác đã công bố kế hoạch tiến hành thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 tại nhiều địa điểm nghiên cứu lâm sàng ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Âu.
“Đây là thời điểm rất hứa hẹn trong nghiên cứu vaccine HIV, với nhiều thử nghiệm lâm sàng hiệu quả đang diễn ra cùng với những phương pháp tiếp cận mới, chúng ta đang tiến gần hơn đến một loại vaccine hiệu quả” ông Roger Tatoud, Giám đốc Công ty Vaccine HIV Toàn cầu nói. Tuy nhiên, ngoài những thách thức về mặt khoa học, vaccine HIV cần có tiếp các nguồn lực tài chính lớn để phát triển.
Chuyển từ phác đồ 3 loại xuống 2 loại thuốc
Nghiên cứu GEMINI: Thử nghiệm điều trị của Dolutegravir (DTG) cộng với Lamivudine (3TC) ở 1.400 bệnh nhân nhiễm HIV- 1, chưa từng điều trị thuốc kháng virus, với kết quả sau 96 tuần, cho thấy hiệu quả ngang với phác đồ sử dụng ba loại thuốc DTG, Tenofovir và Emtricitabine.
Nghiên cứu TANGO: Thử nghiệm tiến hành ngẫu nhiên với phác đồ 2 và 3 thuốc với 741 bệnh nhân, giai đoạn III kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của việc chuyển sang DTG và 3TC ở những bệnh nhân đã bị ức chế virus với sự kết hợp 3 thuốc gồm DTG, Tenofovir và Emtricitabine. Kết quả cho thấy sau 24 tuần điều trị, chế độ 2 thuốc không hề thua kém trong việc ức chế tải lượng virus của phác đồ 3 thuốc.
Bảo đảm dự phòng, điều trị HIV trong cứu trợ nhân đạo
Hơn 135 triệu người trên khắp thế giới đang cần sự hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do các cuộc xung đột và những thảm họa thiên nhiên. “Từ Syria đến Venezuela, khó khăn trong cung cấp dịch vụ HIV tại các nơi có xung đột làm ảnh hưởng đến những kết quả đã đạt được trong nỗ lực ứng phó với HIV của toàn cầu”, ông Anton Anton Pozniak, Chủ tịch IAS cho biết.
Ông Pozniak nhấn mạnh, người dân trong các tình trạng khẩn cấp như vậy, rất dễ bị lây nhiễm HIV. “Chúng ta phải nỗ lực để bảo đảm rằng dự phòng và điều trị HIV là một phần không thể thiếu trong các nỗ lực cứu trợ nhân đạo toàn cầu”.
Ở Trung Mỹ và Venezuela, sự bất ổn chính trị đã thúc đẩy người dân di cư hàng loạt và tạo ra gánh nặng cho các hệ thống y tế. Trong số
120.000 người nhiễm HIV ở Venezuela, chỉ một nửa được điều trị bằng thuốc ARV và chưa đến 7% đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus trong năm 2017. Tại Chile, người di cư đến từ Venezuela và Haiti chiếm gần một nửa số ca nhiễm phát hiện mới trong năm 2018.
Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS hiện vẫn là một trong những vấn đề y tế nan giải của toàn cầu, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng căn bệnh này vẫn chưa thể đẩy lùi. Kể từ khi bùng phát vào thập niên 80 của thế kỷ trước, đại dịch HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên toàn thế giới. Theo thống kê của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), trên toàn thế giới gần 38 triệu người đang sống chung với virus nguy hiểm này và 23,3 triệu người bệnh đang điều trị bằng thuốc kháng HIV.