Ghi dấu hành trình trong ứng phó dịch HIV/AIDS tại Việt Nam
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa tặng hoa cho những thành viên tham gia hoạt động tại chương trình |
Việc sử dụng dịch vụ HIV trong nhóm MSM còn hạn chế nên chưa đủ khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Chính vì vậy, sự tham gia của các tổ chức vì cộng đồng CBO là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ.
Vừa qua, tại Nha Trang, Trung tâm LIFE (Nâng cao chất lượng cuộc sống) phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa tổ chức sự kiện "Ghi dấu hành trình trong ứng phó dịch HIV/AIDS tại Việt Nam".
Chương trình thu hút hơn 150 đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước và thành viên của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) tham gia.
Tại chương trình, các đại biểu cùng nhìn lại những câu chuyện thành công, bài học kinh nghiệm trong gần một thập kỉ hình thành và phát triển mô hình CBO, tri ân những đóng góp của ngành y tế các địa phương trong việc ủng hộ và hỗ trợ các tổ chức CBO phát triển bền vững.
CBO hiện nay được xem là cánh tay nối dài của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Các CBO được cho rằng tiếp cận nhóm nguy cơ cao hiệu quả hơn cán bộ y tế, cung cấp các dịch vụ chủ yếu như: truyền thông thay đổi hành vi; kết nối, chuyển tiếp người có hành vi nguy cơ cao làm xét nghiệm HIV; cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng; cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn phòng lây nhiễm HIV; giới thiệu khách hàng tiếp cận điều trị Methadone; giới thiệu người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV, hỗ trợ người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV; cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, do dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm MSM, do đó ngành y tế đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm này như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP trực tiếp, PrEP lưu động, PrEP trực tiếp...), điều trị HIV, cung ứng bao cao su, chất bôi trơn, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị hành vi về lệ thuộc các chất kích thích dạng Amphetamine, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục… nhưng với nhiều lí do mà quần thể MSM chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV một cách toàn diện. Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ HIV trong nhóm MSM còn hạn chế nên chưa đủ khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Chính vì vậy, sự tham gia của các tổ chức vì cộng đồng CBO là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ.
LIFE là một tổ chức xã hội thuộc Liên hiệp các Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật (VUSTA), được thành lập năm 2009 với sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương. LIFE hoạt động trên lĩnh vực xây dựng năng lực tổ chức cộng đồng; chăm sóc sức khỏe sinh sản, dự phòng HIV/AIDS; xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, an toàn và cải thiện chất lượng cuộc sống công nhân nhà máy. Được biết hàng năm, mạng lưới hơn 40 CBO dưới sự điều phối của LIFE đã tư vấn dự phòng, xét nghiệm sàng lọc HIV gần 40.000 người có nguy cơ cao và hỗ trợ gần 10.000 người tiếp cận với chương trình dự phòng lây nhiễm HIV trước phơi nhiễm (PrEP).
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm LIFE đã triển khai thành công nhiều mô hình, dự án như: Can thiệp HIV trên nhóm nam mại dâm; Quỹ Toàn cầu/VUSTA; mô hình hợp tác C2P - CBO và cơ sở y tế nhà nước; thí điểm xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng; thí điểm điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP) - thí điểm tự xét nghiệm HIV; đẩy mạnh hoạt động truy vết, xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích; ứng dụng kết quả xét nghiệm nhiễm cấp để hỗ trợ truy vết bạn tình, bạn chích tại cộng đồng; ra mắt ứng dụng sức khỏe cộng đồng - D.Health; ra mắt 6 cửa hàng cung cấp dịch vụ "1 cửa" của cộng đồng…
Các CBO do LIFE hỗ trợ phát hiện khoảng 4.000 trường hợp HIV dương tính mỗi năm và kết nối gần 98% số này vào điều trị HIV. Tỷ lệ phát hiện ca nhiễm HIV từ các dự án của LIFE đóng góp từ 40% đến 60% tổng ca nhiễm HIV được tìm thấy ở các tỉnh có LIFE hoạt động.