Hậu quả của ma túy đối với phụ nữ
Theo Báo cáo ma túy thế giới năm 2018 do Văn phòng Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) công bố, phụ nữ chiếm một phần ba số người sử dụng ma túy trên toàn cầu.
Báo cáo gồm 5 phần, trong đó 4 phần đầu trình bày những vấn đề chung, tình hình ma túy tại các khu vực trên toàn cầu, các thị trường ma túy và ma túy với thanh niên, riêng phần 5 (dài 42 trang) đề cập đến một vấn đề rất quan trọng: Phụ nữ và ma túy - Sử dụng ma túy, cung cấp ma túy và hậu quả của nó.
Báo cáo ma túy năm 2018 đưa ra các phát hiện quan trọng về việc phụ nữ sử dụng ma túy khác xa với nam giới. Trước hết đó là tình trạng phụ nữ sử dụng thuốc gây nghiện và thuốc an thần nhiều hơn nam giới, trong khi đó nam giới ưa dùng cần sa, cocaine và thuốc phiện hơn. Phụ nữ đã trải qua nghịch cảnh thời thơ ấu thường có xu hướng hành vi hướng nội và họ hay dùng ma túy để tự điều trị. Vấn đề nội tâm hóa như trầm cảm và lo lắng phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới.
Bạo lực trên cơ sở giới được cũng cao hơn đối với phụ nữ sử dụng ma túy. Bạo lực trên cơ sở giới bao gồm nhiều hình thức bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm cả lạm dụng tình dục thời thơ ấu, bạo hành của đối tác sống chung, bị người lạ tấn công cũng như bị buôn bán và khai thác tình dục. Phụ nữ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với nam giới. Phụ nữ chiếm một phần ba số người sử dụng ma túy trên toàn cầu và số phụ nữ mắc bệnh truyền nhiễm do tiêm chích ma túy (PWID) chiếm đến 1/5 trên toàn cầu, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh HIV, viêm gan C và nhiễm trùng máu cao hơn so với nam giới.
Mối quan hệ giữa phụ nữ và buôn bán ma túy chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, báo cáo cho biết phụ nữ không chỉ là nạn nhân, mà còn tham gia tích cực vào hoạt động buôn bán ma túy và đóng vai trò quan trọng trong mắt xích cung cấp ma túy, đặc biệt ở Mỹ Latinh và châu Phi.
Phụ nữ thường bị tác động xã hội nghiêm trọng lâu dài và hậu quả đối với sức khỏe khi bị giam giữ liên quan đến sử dụng ma túy và tội phạm ma túy. Tỷ lệ phụ nữ bị kết án vì tội liên quan đến ma túy cao hơn nam giới. Ở một số quốc gia, tội phạm liên quan đến ma túy là nguyên nhân thứ hai khiến phụ nữ bị tống giam, trong khi nam giới thường bị tống giam vì những tội khác.
Khi bị giam giữ do ma túy, phụ nữ thường bị “thiệt hại” nhiều hơn nam giới do cuộc sống cầm tù ảnh hưởng đến một số khía cạnh cuộc sống của họ. Phụ nữ cũng ít có điều kiện tiếp cận chăm sóc y tế so với nam giới trong khi phải chịu những điều kiện giam giữ và cải tạo giống như nam giới. Ngoài ra, phụ nữ ít được chuẩn bị cũng như ít được hỗ trợ hơn nam giới khi họ tái hội nhập cộng đồng và trở lại với gia đình.
Năm 2018, phạm vi các loại ma túy cũng như thị trường ma túy đều mở rộng và đa dạng hóa hơn bao giờ hết, nó đặt ra thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế.
Các quốc gia đối mặt với sự mở rộng thị trường cung cấp ma túy với việc mở rộng sản xuất từ thuốc phiện đến cocaine. Thị trường cocaine và ma túy đá methamphetamine mở rộng vượt ra ngoài khu vực thông thường, trong khi buôn bán ma túy trực tuyến thông qua darknet (mạng đen), mạng của các trang web không thể truy cập từ công cụ tìm kiếm thông thường, tiếp tục tăng trưởng chóng mặt, bất chấp các lực lượng chống ma túy quốc tế nỗ lực đóng cửa nhiều nền tảng buôn bán ma túy trực tuyến.
Việc sử dụng thuốc gây nghiện kê đơn không với mục đích y tế trở thành “bệnh dịch” ở một số nơi trên thế giới. Cuộc khủng hoảng thuốc gây nghiện ở Bắc Mỹ được quan tâm thích đáng và cộng đồng quốc tế đã bắt tay vào hành động.
Báo cáo gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng nghiện tramadol, một loại thuốc giảm đau, tăng vọt tại nhiều khu vực châu Phi. Tình trạng sử dụng thuốc gây nghiện này trong điều kiện không bị quốc tế kiểm soát cũng đang lan rộng ở châu Á. Tác động của thuốc gây nghiện đến nhóm dân cư dễ bị tổn thương là nguyên nhân gây lo ngại thực sự trong khi nó đặt áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế vốn đã căng thẳng vì quá tải tại các khu vực này.
Đồng thời, nhiều chất hướng thần mới đang được tổng hợp và ngày càng dễ tiếp cận hơn trước kia, kèm theo đó là các báo cáo về tác hại và con số tử vong.
Điều trị nghiện ma túy và dịch vụ y tế tiếp tục thiếu hụt, chỉ có 1/6 số con nghiện được điều trị. Khoảng 450.000 người chết trong năm 2015 là do sử dụng ma túy. Trong số đó, 167.750 là do hậu quả trực tiếp của rối loạn sử dụng ma túy, trong hầu hết các trường hợp đều liên quan đến thuốc gây nghiện.
Những mối đe dọa của ma túy đối với sức khỏe và sự phồn vinh, cũng như an ninh, an toàn và phát triển bền vững đòi hỏi một sự phản ứng khẩn cấp.
Báo cáo ma túy năm 2018 mang hơn 100 khuyến nghị về việc thúc đẩy phòng ngừa, chăm sóc và các biện pháp khác để giải quyết cung và cầu. Các quốc gia cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy sự đồng thuận, tăng cường hỗ trợ cho các nước cần thiết nhất, cải thiện hợp tác quốc tế và năng lực thực thi pháp luật để triệt phá các nhóm tội phạm có tổ chức và ngăn chặn nạn buôn bán ma túy.