Hỗ trợ hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

Cập nhật: Thứ năm 06/12/2018 - 10:36
 Giờ lao động trị liệu của các học viên nữ tại Cơ sở tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Giờ lao động trị liệu của các học viên nữ tại Cơ sở tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Với mục tiêu giúp người nghiện được điều trị toàn diện về sinh học - tâm lý -xã hội, thời gian qua, Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động -Thương binh và Xã hội) đã chủ động xây dựng nhiều hoạt động lao động trị liệu. Từ đó, giúp các học viên đang cai nghiện ma túy tự giác điều chỉnh hành vi, có thêm kiến thức xã hội và phòng, chống tái nghiện.

Bác sĩ Lê Đức Hùng, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điệu trị, cai nghiện ma túy thông tin: Lao động trị liệu là một trong những bước quan trọng trong quy trình điều trị nghiện ma túy. Hoạt động này nhằm mục đích phục hồi sức khỏe và kỹ năng lao động cho người nghiện. Nếu như trước đây, hoạt động lao động trị liệu tại Cơ sở chủ yếu là dọn vệ sinh, trồng rau thì đến nay, học viên đã được tổ chức tham gia các hoạt động phù hợp với trình độ nhận thức, sức khỏe của mình. Chúng tôi hiện đang tổ chức nhiều hoạt động lao động trị liệu phù hợp với độ tuổi, giới tình, năng lực và tình trạng sức khỏe các đối tượng khác nhau, như: làm mành, trồng rau, chăn nuôi, may, cắt giấy, làm long nhãn… Sau mỗi hoạt động, học viên đều nhận được tiền công xứng đáng.

Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy hiện đang điều trị cho trên 500 bệnh nhân. Học viên sau khi vào Cơ sở đều được phân loại, sau đó được hỗ trợ cắt cơn, giải độc, điều trị bệnh lý đến khi tình trạng sức khỏe ổn định hơn mới tham gia lao động trị liệu. Anh T.V.T, học viên tại Cơ sở cho biết: Sau 1 năm điều trị nghiện ma túy, tôi được học lái máy cày và thực hành ngày tại Cơ sở. Mỗi ngày 3-4 tiếng lao động, tôi thấy sức khỏe được cải thiện, ăn cơm ngon hơn và ít “ nhớ” tới ma túy hơn.

Còn học viên H.V.C cho biết: Trong thời gian lao động, tôi thường trao đổi, trò chuyện với các học viên khác. Anh em vẫn động viên nhau cố gắng làm nghề cho thành thạo, sau này kết thúc thời gian điều trị có thể xin được việc làm. Cũng nhờ tham gia lao động trị liệu và được trả công, hiện nay, gia đình không cần phải gửi tiền sinh hoạt phí cho tôi nữa.

Theo các bác sĩ, lao động trị liệu là giai đoạn cuối cùng trước khi học  viên về với cộng đồng. Việc tổ chức lao động được thực hiện vừa nằm trong liệu trình điều trị, vừa nhằm giúp học viên cai nghiện có thêm thu nhập. Tùy theo mức độ lao động, tất cả các học viên đều được chấm công và trả lương theo quy định. Tiền công được học viên sử dụng hàng tháng, số tiền còn dư sẽ được trao lại cho học viên khi hết thời gian cai nghiện. Được biết, trong năm 2018, các học viên của Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy đã lao động trên 27.000 ngày công, tổng số tiền thu được tư lao động, gia công sản phẩm là trên 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, để giúp đỡ học viện phục hồi, Cơ sở còn liên kết, hợp tác với các trường, trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp hướng dẫn, định hướng  nghề nghiệp cho bệnh nhân. Đồng thời, Cơ sở cũng kêu gọi và liên kết với một số doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất và tạo việc làm cho các học viên. Hiện nay, học viên tại Cơ sở đang gia công cắt giấy, sản xuất long nhãn, may… theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp địa phương và xuất khẩu. Một số học viên có tay nghề cao còn nhận được tiền lương định kỳ, được khen thưởng hàng tháng.

Bác sĩ Lê Đức Hùng cho biết thêm : Bên cạnh việc điều trị cho người nghiện, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục lối sống, kỹ năng xã hội, tạo hành trang, vốn kiến thức nhất định cho học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Đây là một trong những bước quan trọng để học viên có thể hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm sau khi kết thúc điều trị. Từ đó, giảm nguy cơ tái nghiện.

Tuy vậy, Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy là một trong những đơn vị hiếm hoi trên địa bàn tỉnh triển khai được đa dạng các hoạt động lao động trị liệu hỗ trợ điều trị nghiện ma túy. Các cơ sở khác hoặc thiếu nhân lực, thiếu quỹ đất, không tìm được đầu ra cho sản phẩm… nên hầu hết hoạt động lao động trị liệu còn rất hạn chế. Để việc cai nghiện hiệu quả, chống tái nghiện thì bên cạnh những nỗ lực của các cơ sở điều trị, bản thân học viên, cần có sự chung tay, góp sức của cả gia đình học viên và toàn xã hội. Nhất là các doanh nghiệp trong việc tạo việc làm ngay sau khi học viên điều trị thành công.

Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: