Hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ

Cập nhật: Thứ sáu 01/03/2019 - 13:11
 Học viên Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ lao động để rèn luyện sức khoẻ và hỗ trợ cắt cơn.
Học viên Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ lao động để rèn luyện sức khoẻ và hỗ trợ cắt cơn.

Hiếm có cơ sở điều trị nghiện tự nguyện nào lại có khuôn viên rộng như ở Đại Từ. Bên cạnh được hỗ trợ cắt cơn, học viên ở đây còn tham gia lao động sản xuất, văn nghệ, thể dục thể thao và cả học nghề để sớm hoà nhập, trở thành người có ích khi hoà nhập cộng đồng.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện Đại Từ liền đề nghị được dẫn đi tham quan một vòng khuôn viên của đơn vị. Với diện tích gần 10ha, nằm ngay sát hồ Núi Cốc, không gian sống nơi đây thực sự trong lành. Trên mảnh đất đó, cơ sở đã trồng được hơn 2ha chè, chăn nuôi lợn thịt, dê, trâu, bò; thả cá thương phẩm. Có khu thể dục thể thao, văn nghệ, nhà để người thân đến thăm gặp riêng tư. “Chúng tôi vừa trồng hơn 2 tạ giống nghệ trên điện tích khoảng 10.000m2, cùng một số cây ăn quả, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch sớm” - ông Thắng khoe.

Có một điều dễ nhận thấy là ở Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện Đại Từ là sự gần gữi, không hề có khoảng cách giữa cán bộ quản lý và học viên. Anh Nguyễn Ngọc Thắng, ở xóm xã Minh Tiến (Đại Từ) mới vào đây được hơn 1 tháng nhưng đã cắt được cơn và tham gia lao động nói với chúng tôi: Khi “dính” vào ma tuý, mọi người thân và bản thân tôi đều có chung suy nghĩ rằng cuộc đời coi như bỏ đi. Vì có mấy ai cai nổi đâu. Vào đây rồi hy vọng lại được thắp lên. Tôi được hỗ trợ, động viên của cán bộ và cả anh em cùng cơ sở rất nhiều. Cùng lao động, sinh hoạt tập thể với mọi người giúp tôi dần quên đi cảm giác thèm thuốc. Còn Phạm Hoàng Anh, ở xóm Đồng Hoan, xã Khôi Kỳ (Đại Từ) thì chia sẻ: Ở đây cán bộ luôn đối xử bình đẳng với các học viên và không coi họ là “con nghiện”. Nơi ăn chốn ở sạch sẽ, thoải mái khiến chúng tôi đều tin tưởng vào quá trình cai nghiện thành công.

Tinh thần cởi mở, dân chủ là tiêu chí hàng đầu ở Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện Đại Từ. Mỗi tháng, Cơ sở tổ chức họp một lần để nghe và tiếp thu những kiến nghị, nguyện vọng của học viên. Việc lao động trị liệu, tăng gia sản xuất vừa giúp phục hồi sức khoẻ, đồng thời cải thiện bữa ăn cho chính học viên. Theo nhiều cán bộ ở nơi đây, thì ngoài các biện pháp trị liệu thì việc yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng để học viên yên tâm cai nghiện, không còn tâm lý muốn trốn về. Anh Phong, cán bộ của Cơ sở kể: Nhiều người vào đây luôn thường trực nỗi lo sức khoẻ mọi người trong gia đình hoặc vợ xa chồng mà không chung thuỷ. Nếu có những thông tin không hay từ phía gia đình, chúng tôi thường chủ động liên lạc trước để tìm hiểu, rồi có cách trao đổi với học viên cho phù hợp. Ở đây, cán bộ và học viên cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt tập thể và ăn cơm chung, đó là cách để học viên cảm thấy thoải mái nhất, không có tâm lý tự ti hay thấy bị phân biệt đối xử.

Hiện nay, Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ có gần 50 học viên. Với quan điểm “người nghiện ma túy là người bệnh" và "cơ sở cai nghiện ma túy là nơi chữa bệnh”, Cơ sở luôn lấy người cai nghiện làm trung tâm. Sau khi tiếp nhận, học viên được cán bộ y tế của đơn vị tiến hành kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án để lập kế hoạch điều trị phù hợp. Trong thời gian bắt đầu cắt cơn, đội ngũ y bác sĩ và cán bộ sẽ luôn túc trực để tư vấn, hỗ trợ tâm lý, đồng thời triển khai các phương pháp chuyên môn nhằm giảm bớt những vật vã, khó chịu của hội chứng cai, giúp học viên nhanh chóng vượt qua giai đoạn đầu cắt cơn. Do thực hiện tốt việc khám phân loại, chăm sóc, điều trị nên phần lớn học viên sau thời gian cắt cơn đều tăng cân, sức khỏe tốt. Kết thúc thời gian điều trị, lao động trị liệu theo quy định đều bảo đảm yêu cầu và bàn giao về gia đình.

Nói về vấn đề cai nghiện tại cơ sở, ông Nguyễn Ngọc Thắng còn những điều trăn trở. Đó là tuổi đời của học viên ngày càng trẻ, nhiều trường hợp chưa chưa thành niên. Các cháu giờ chủ yếu sử dụng ma tuý tổng hợp nên việc cắt cơn và điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. “Vả lại, điều trị tại trung tâm chỉ là một phần trong tiến trình cai nghiện ma tuý. Để học viên khi trở về không tái nghiện thì rất cần sự quan tâm, phối hợp của gia đình, chính quyền và các đoàn thể địa phương để quản lý. Đặc biệt là hỗ trợ, tạo điều kiện để họ có việc làm và thu nhập ổn định” – Ông Thắng nói. 

Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: