Hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người từng lầm lỡ
Học viên tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội. |
Việc tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho những người từng lầm lỡ là giải pháp hiệu quả để họ tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, hoạt động này cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan chức năng, gia đình và xã hội.
Giúp không ít người làm lại cuộc đời
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có không ít người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương... mong muốn, khao khát tái hòa nhập cộng đồng bằng những công việc lương thiện, có thu nhập. Giúp những trường hợp này ổn định cuộc sống, tránh xa con đường từng lầm lỡ, các cấp, các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người từng lầm lỡ.
Tại quận Cầu Giấy, anh L.Q.D, ở ngõ 3, đường Phạm Văn Đồng cho biết, sau cai nghiện ma túy, anh cố gắng làm lại cuộc đời. Biết đến nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người sau cai nghiện, năm 2016, anh mạnh dạn làm đơn vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cầu Giấy để mở cửa hàng tạp hóa, mua máy ép nước mía… “Nhờ nguồn vốn vay, từ năm 2016 đến nay, vợ chồng tôi có việc làm, thu nhập đều đặn, bản thân tôi tự tin hòa nhập”. Cùng ở quận Cầu Giấy, cùng được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, anh P.V.U, ở phường Mai Dịch mở được cửa hàng làm tóc, chăm chỉ làm ăn, từ bỏ hoàn toàn ma túy gần 10 năm nay.
Từng nghiện ma túy nhiều năm, hiện đã tránh xa con đường lầm lỡ, hằng ngày mưu sinh bằng công việc bán hàng phở, anh L.M.Q, ở phố Vọng Đức, phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Nhờ người thân động viên, chính quyền địa phương định hướng, tạo điều kiện cho mở cửa hàng bán phở, tôi sớm có được việc làm, thu nhập sau thời gian ngắn tái hòa nhập cộng đồng. Đó cũng là động lực giúp tôi tránh xa con đường lầm lỡ suốt nhiều năm nay, để sống một cuộc sống thực sự ý nghĩa”.
Tương tự, tại huyện Ba Vì, một số trường hợp từng lầm lỡ đã nỗ lực làm lại cuộc đời sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm. Có thể kể đến là anh N.D.V, ở thôn Chu Châu, xã Minh Châu với 2 lần được vay vốn, mỗi lần 30 triệu đồng. Sử dụng nguồn vốn để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, trồng cỏ để chăn nuôi bò sinh sản, hiện cuộc sống của anh V. dần ổn định.
Trường hợp khác là gia đình chị P.T.T và anh P.V.H, ở thôn Cao Nhang (thị trấn Tây Đằng) được xét duyệt cho vay 30 triệu đồng. Có đồng vốn, gia đình chị T. tập trung chăn nuôi lợn, gà, buôn bán nhỏ lẻ, cuộc sống bước sang trang mới. “Hằng ngày, vợ chồng tôi bảo ban nhau làm ăn, động viên nhau sống có ích. Kinh tế gia đình cũng nhờ đó mà ổn định, phát triển hơn”, chị T. chia sẻ.
Cần nhân rộng mô hình hỗ trợ
Những năm gần đây, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn tạo sinh kế cho những người từng lầm lỡ làm lại cuộc đời bằng nhiều hình thức, giải pháp. Nổi bật là giải pháp cho vay vốn ưu đãi để tạo việc làm đối với người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV. Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố giải quyết cho hàng chục trường hợp từng lầm lỡ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Các trường hợp vay vốn đều có sức khỏe ổn định, không tái nghiện, không vi phạm pháp luật và tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ, trồng trọt, chăn nuôi..., có mức thu nhập ổn định để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Dù hiệu quả đã được kiểm chứng, song, việc đưa nguồn vốn đến với các đối tượng này gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là vì muốn vay vốn, khách hàng phải chứng minh họ thuộc đối tượng đủ điều kiện vay, trong khi người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương thường che giấu bản thân, còn người nhiễm HIV được quyền không công khai danh tính, tình trạng bệnh tật. Ngoài ra, có một số người, gia đình, thậm chí chính đối tượng được vay còn e ngại, thiếu tin tưởng vào khả năng sử dụng hiệu quả nguồn vốn…
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì mong muốn các cơ quan chức năng nới lỏng điều kiện, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Với đối tượng thuộc diện được vay vốn, bản thân mỗi người phải biết vượt lên chính mình, mạnh dạn tiếp cận với nguồn sinh kế để làm lại cuộc đời.
Hình thức hỗ trợ về việc làm khác được triển khai là tổ chức hướng nghiệp, đào tạo, thực hành nghề cho người nghiện ma túy trong thời gian họ điều trị cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Chẳng hạn, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn), từ khi đi vào hoạt động (năm 2006) đến nay, đơn vị đã tổ chức dạy các nghề: May mặc, vi tính, hàn, điện... cho gần 1.700 lượt học viên. Kết thúc các khóa học, đại đa số học viên đều có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, được cấp chứng chỉ nghề theo quy định và tham gia lao động trị liệu trong thời gian điều trị cai nghiện. Điều này giúp học viên có cơ hội tìm được việc làm, ổn định cuộc sống sau khi hết hạn cai nghiện trở về cộng đồng. Tiếc rằng, vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do người sau cai nghiện ma túy thiếu bản lĩnh, ý chí, quyết tâm tránh xa con đường lầm lỡ bằng những công việc từ nghề đã được định hướng, trang bị, nên có ít người phát triển được nghề.
Nhằm nâng cao hiệu quả hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người từng lầm lỡ, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV... vay vốn ưu đãi, học nghề để tạo việc làm. Các mô hình trợ giúp họ nỗ lực vươn lên, tự tin hòa nhập như: Câu lạc bộ B93, mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới”... được duy trì, nhân rộng.