Ngăn chặn không để ma tuý xâm nhập vào trường học

Cập nhật: Thứ bẩy 31/03/2018 - 15:28
 Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó số người nghiện trong độ thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn. Tình trạng thanh thiếu niên (trong đó có học sinh, sinh viên) tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp trong các vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, nhà riêng... không những xảy ra ở các thành phố lớn mà còn lan rộng ra vùng ven, các khu công nghiệp, vùng biên giới.

Qua phối hợp với ngành Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) để khảo sát tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá, tình hình tệ nạn ma tuý trong khu vực đã tác động trực tiếp đến tình hình và công tác phòng, chống ma tuý ở Việt Nam nói chung và trong trường học nói riêng. Mặc dù Nhà nước, ngành GD&ĐT luôn coi trọng việc giáo dục học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác song tình trang sử dụng ma túy trong giới trẻ, học sinh, sinh viên vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó số người nghiện trong độ thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn. Đáng chú ý là tình trạng thanh thiếu niên (trong đó có học sinh, sinh viên) tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp trong các vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, nhà riêng... chưa giảm; không những xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, T.P Hồ Chí Minh mà còn lan rộng ra vùng ven, các khu công nghiệp, vùng biên giới như Đồng Nai, Hải Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Trong khi đó, việc tổ chức xét nghiệm để kết luận đối với các đối tượng này còn rất khó khăn. Hiện tượng thanh thiếu niên sử dụng cần sa trong các vũ trường, quán bar kết hợp với ma túy tổng hợp ngày một phổ biến, phản ánh một xu thế mới về hình thức và loại ma túy sử dụng trong giới trẻ ở nước ta.

Tăng cường năng lực phòng, chống ma tuý trong trường học

Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thi sáng tác ca khúc, thi văn nghệ về đề tài phòng, chống ma túy… đan xen trong các hoạt động văn nghệ, thể thao; lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào chương trình học chính khóa, hoạt động ngoại khóa với sự tham gia tích cực của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường.

Hàng năm, hưởng ứng Tháng hành động và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức mít tinh, ra quân tuyên truyền phòng, chống ma túy; chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại một số trường trọng điểm, cấp phát hàng nghìn áo và mũ, hàng vạn tờ rơi tuyên truyền phòng, chống ma túy; phối hợp với Bộ Công an tổ chức các buổi giao lưu “Sinh viên với công tác phòng, chống ma túy” thu hút sinh viên tại các cụm trường trọng điểm..

Ngành GD&ĐT đã biên tập, in ấn, nhân bản hàng triệu tài liệu, tờ rơi, đĩa phim hướng dẫn công tác giáo dục phòng, chống ma túy và cấp phát đến các cơ sở giáo dục để tham khảo, vận dụng; tập huấn cho cán bộ nòng cốt tại các sở GD&ĐT và phòng công tác học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm về công tác phòng, chống ma túy, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội.

Mô hình câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống ma túy trong trường học tại một số trường thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy được triển khai. Qua đó, đã thành lập được 10 câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống ma túy tại 5 tỉnh phía Bắc; 8 câu lạc bộ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và 4 câu lạc bộ tại Hà Nội và Hải Phòng. Các câu lạc bộ được thành lập và hoạt động bước đầu đã mang lại hiệu quả, là nhân tố tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy trong nhà trường và cộng đồng dân cư.

Trước những diễn biến phức tạp, luôn có xu hướng tăng về mức độ và số lượng vụ vi phạm của tệ nạn ma túy, Bộ GD&ĐT đánh giá kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy trường học trong những năm qua là rất quan trọng nhưng chưa thực sự mang tính bền vững bởi hiện nay vẫn còn rất nhiều những yếu tố nguy cơ tệ nạn ma túy tấn công vào trường học, gây khó khăn trực tiếp đến công tác phòng, chống ma túy của các nhà trường.

Ở một số nhà trường, việc quản lý, tổ chức phòng, chống ma túy trong trường học chưa được đầu tư chiều sâu; bộ máy kiêm nhiệm chưa đủ mạnh để duy trì cập nhật, xử lý các nguồn thông tin trong học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên liên quan đến ma túy; chưa phát huy tốt vai trò chủ động của học sinh, sinh viên tham gia phòng, chống ma túy trong trường học và cộng đồng...

Tại Hội thảo công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, ngành Giáo dục có gần 23 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, lứa tuổi học sinh, sinh viên cũng rất dễ bị tác động, lôi kéo phạm tội, vi phạm pháp luật, tham gia tệ nạn ma tuý, tệ nạn xã hội nếu như không có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, quyết liệt.

Nếu tổ chức giáo dục tốt cho nhóm đối tượng này thì công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường và tệ nạn xã hội, ma tuý trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên sẽ đạt hiệu quả rất cao, đồng thời học sinh, sinh viên cũng chính là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường và tệ nạn xã hội, ma tuý cho toàn xã hội.

Để ngăn chặn tệ nạn ma tuý xâm nhập vào trường học, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma tuý trong trường học đến năm 2020”. Theo đó, sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tệ nạn ma tuý và công tác phòng chống ma tuý tại các nhà trường; kiểm tra sức khoẻ người học theo định kỳ và kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện sớm học sinh, sinh viên liên quan đến tệ nạn ma tuý; thăm dò, phát hiện sớm các đối tượng có liên quan đến ma tuý và tư vấn giúp đỡ kịp thời. Nhà trường phối hợp với gia đình và địa phương tổ chức cai nghiện đối với trường hợp nghiện ma tuý…

Bên cạnh đó, duy trì, phát triển, hỗ trợ hoạt động hiệu quả của các “Câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”; tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong nhà trường; lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy trong nội dung, chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống ma túy...


Theo Tiengchuong.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: