Tác động của HIV đối với nam thanh thiếu niên
Tổ chức hoạt động vì cộng đồng hoạt động nhóm trong phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Tống Nam |
Bất kỳ thanh thiếu niên nào có hoạt động tình dục nên nhận thức được các nguy cơ lây nhiễm của HIV và sử dụng các chiến lược phòng ngừa để tránh bị nhiễm HIV hay các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, việc lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần ba lần so với năm 2011. Tỉ lệ nhiễm mới trong MSM trẻ ngày càng chiếm đa số. Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các bệnh nhiễm trùng lây tryền qua đường tình dục (STDs) gây ảnh hưởng nặng nề đối với những người trẻ tuổi. CDC ước tính rằng thanh niên từ 15-30 tuổi chiếm đa số số ca nhiễm mới hàng năm và vì thanh thiếu niên bị nhiễm không biết về tình trạng của mình, họ có thể vô tình truyền virus cho người khác.
Giải quyết vấn đề phòng chống HIV cho thanh thiếu niên cần đề cập đến các vấn đề hành vi và tình dục, các yếu tố sinh học, ảnh hưởng xã hội và vô số các yếu tố khác, mỗi yếu tố đều có tác động nhất định với yếu tố tiếp theo, những khoảng trống đấy cần được nhanh chóng có những biện pháp để lấp đầy.
Báo động từ những chỉ số
Một nghiên cứu thuần tập trong nhóm MSM tại Hà Nội của trường Đại học Y Hà Nội mới đây cho thấy, 11% trong 1.893 người tham gia nghiên cứu khảo sát đầu vào là người nhiễm HIV, 21% nhiễm giang mai, 23% nhiễm chlamydia và 13% nhiễm lậu. Trong số mẫu máu của 75 người nhiễm HIV, 27 (36%) mẫu được khẳng định là mới nhiễm HIV và hầu hết các ca mới nhiễm là ở nhóm trẻ ≤24 tuổi.
Tỉ lệ hiện nhiễm HIV tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), từ 3,95% năm 2011 lên 5,1% năm 2015, 11,36% năm 2018 và 13,85% năm 2019. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh thành phố nhưng thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như Cần Thơ (20,3%), TPHCM 13,8%, Bà Rịa - Vũng Tàu 16%, Bình Dương 13%, Khánh Hòa 14,6%, Hải Phòng 5,3%. Tỉ lệ dùng bao cao su thường xuyên khi quan hệ tình dục đồng giới giảm mạnh: Từ 42% năm 2012 xuống còn 9,7% năm 2016.
Xây dựng một chiến lược truyền thông thay đổi hành vi là chìa khóa để phòng ngừa và nó bắt đầu bằng cách chia nhỏ các số liệu trên để hiểu các rủi ro. Trong quá trình giám sát, các nhà nghiên cứu đã xem xét các trường hợp nhiễm HIV trong giới trẻ và có thể ước lượng rằng: Khoảng 85% tất cả các bệnh nhiễm trùng ở thanh thiếu niên là lây lan qua quan hệ tình dục; nam giới trẻ chiếm khoảng ~ 60% số ca nhiễm mới; trong số các bệnh nhiễm trùng nam khoa, 75% là ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) .
Gánh nặng nào làm nam thanh thiếu niên gặp nhiều rủi ro?
Tính dễ bị tổn thương đối với thanh thiếu niên và hậu quả của nó đối với việc sống chung với HIV càng trở nên trầm trọng hơn do các yếu tố môi trường xã hội xung quanh dịch HIV ở khu vực sống.
Trong số các yếu tố đó nghèo đói vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong tỷ lệ lây nhiễm cao trong các cộng đồng, nơi không có đủ khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trẻ mồ côi, bất bình đẳng giới, kỳ thị, tập quán văn hóa và khả năng tiếp cận kém với các dịch vụ xã hội hoặc y tế cũng tiềm ẩn những rủi ro lây nhiễm HIV, cũng như những hệ lụy khác.
Hệ lụy của nghèo đói dẫn đến nhiều thanh thiếu niên hành nghề mại dâm để trang trải cuộc sống. Các ghi nhận gần đấy trong bối cảnh COVID-19 cho thấy tỷ lệ mại dâm nam trẻ tuổi ngày càng gia tăng. Họ dễ bị lạm dụng, quan hệ không an toàn và sử dụng chất kích thích để chiều lòng khách hàng.
Bên cạnh những yếu tố này, trẻ vị thành niên xa quê, làm lao động di cư, hoặc học hành xa nhà cũng là những yếu tố đóng góp vào những yếu tố nguy cơ và chịu sử ảnh hưởng của HIV. Trong số liệu của Bình Dương (một tỉnh công nghiệp), có đến 70% ca nhiễm mới năm 2020 là MSM trẻ, đặc biệt chủ yếu là lao động di cư và sinh viên.
Trong số những người MSM trẻ tuổi, cho dù họ xác định là MSM, lưỡng tính hay không đều có nguy cơ cao bị phơi nhiễm khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn không được bảo vệ .
Nỗi sợ hãi bị kỳ thị, lạm dụng và kỳ thị đồng tính khiến nhiều thanh thiếu niên không dám tiếp cận đến các dịch vụ y tế, ngăn cản họ tìm kiếm sự chăm sóc và điều trị cần thiết. Điều này thường dẫn đến trầm cảm và lạm dụng chất kích thích, do đó có thể dẫn đến hành vi tình dục nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, sử dụng rượu và ma túy vẫn là một thách thức đối với tất cả các nhóm, làm giảm sự ức chế và khả năng kiểm soát bản thân. Đặc biệt, sự phổ biến của methamphetamine tinh thể trong cộng đồng đồng tính nam có liên quan đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn 250%.
Một thách thức khác trong việc phòng chống HIV là chính thái độ của giới trẻ. Cứ 6 người thì có một người tin rằng thỉnh thoảng quan hệ tình dục không được bảo vệ "không phải là vấn đề lớn." Ba trong số 5 báo cáo rằng họ hoặc bạn tình đã từng sợ mang thai. 70% coi các phương pháp ngừa thai ngoài bao cao su là "thực hành tình dục an toàn hơn", 50% coi bao cao su là dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng, không chung thủy hoặc lăng nhăng. 20% tin rằng bạn có thể biết ai đó nhiễm HIV bằng cách nhìn vào họ.
Điều đáng nói nhất có lẽ là rất ít thanh niên được khảo sát từng tham gia thảo luận về HIV/AIDS với bạn tình của họ, mặc dù thực tế là hơn 75% nói rằng họ muốn biết thêm thông tin. Việc thiếu thông tin , kiến thức cũng là mối lo ngại về việc gia tăng các hành vi nguy cơ, mà với họ chỉ suy nghĩ đó là hiểu lầm hoặc lầm tưởng.
Các phương pháp tiếp cận thực tế để phòng, chống HIV ở thanh thiếu niên
Nhận thức của cộng đồng đã dạy chúng ta nhiều năm là việc giảm thiểu rủi ro còn vượt ra ngoài danh sách "những gì cần làm và những gì không nên làm", nó đòi hỏi sự rõ ràng, bền bỉ và cách tiếp cận dựa trên cá nhân nhằm giải quyết các mối quan tâm và vấn đề của mỗi cá nhân.
Bắt đầu bằng cách tìm hiểu sự thật về HIV/AIDS, quan hệ tình dục an toàn hơn, tránh thai, sử dụng bao cao su.... Tự giáo dục bản thân trước, tìm kiếm lời khuyên và tài liệu tham khảo từ các nguồn tin cậy. Nếu bạn mắc phải những sai lầm rủi ro, hãy cẩn thận tìm hiểu cách thức và lý do tại sao sai lầm đó xảy ra và tìm hiểu các chiến lược để tránh lặp lại lần nữa.
Nếu bạn gặp vấn đề với ma túy, rượu hoặc trầm cảm, hãy giải quyết vấn đề đó trước. Điểm mấu chốt là không có cách nào thực sự để đưa ra phán quyết sáng suốt cho đến khi những vấn đề này được giải quyết.
Là cha mẹ, hãy cố gắng bình thường hóa các cuộc thảo luận về tình dục ở độ tuổi sớm nhất có thể. Sự cởi mở và thoải mái sẽ giúp con bạn tìm hiểu các kiến thức và dự phòng các rủi ro tình dục sớm hơn. Hãy chấp nhận rằng “thà vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để nó tự chạy mà chui đầu vào bụi rậm”.
Các cuộc thảo luận về tình dục hoặc sử dụng ma túy cũng nên chia sẻ với thái độ cởi mở, tôn trọng và không “dán nhãn”. Tốt hơn hết nếu có 1 chuyên gia/bác sĩ có chuyên môn tốt để cùng giải quyết vấn đề hơn là để họ bị cô lập vì họ sợ phản ứng tiêu cực từ xung quanh. Điều này đặc biệt đúng khi đề cập đến vấn đề tình dục đồng tính nam hoặc lưỡng tính.
Khi thảo luận về HIV, cố gắng không vặn hỏi người đó bằng những câu hỏi như "Bạn có…?" hoặc "Bạn đã ...?" Thay vào đó, hãy giữ cuộc trò chuyện cởi mở bằng cách hỏi, "Bạn hiểu gì về…?" hoặc "Bạn nghĩ sao về…?"
Khi gặp áp lực từ bạn bè, hãy cố gắng làm việc cùng nhau để hình thành chiến lược. Những người trẻ tuổi thường nói rằng họ không chịu nổi áp lực của bạn bè chỉ đơn giản là vì "họ không biết phải nói gì". Tích cực tham gia các chương trình giáo dục về HIV tại các trường học và trung tâm thanh thiếu niên. Hãy là một nguồn tài nguyên "được biết đến" mà mọi người có thể tìm đến.
Cuối cùng, CDC khuyến cáo rằng thanh niên có nguy cơ trong độ tuổi từ 13 đến 24 nên xét nghiệm HIV và STDs ít nhất một lần trong quá trình khám định kỳ. MSM có hoạt động tình dục nên được kiểm tra ít nhất một lần mỗi năm.