Thử nghiệm vaccine HIV tại Nam Phi thất bại
Tế bào T nhiễm virus HIV. Ảnh: NIADS |
Sản phẩm này do Johnson & Johnson phát triển, công nghệ tương tự vaccine phòng COVID-19 của họ. Song, nó không chứng minh được hiệu quả ngăn ngừa virus HIV.
Sau hơn 4 năm nghiên cứu, ngày 31-8, Johnson & Johnson công bố với báo chí kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2b vaccine ngừa HIV. Nó từng được Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ.
Hiệu quả chỉ 25,2%
Vaccine có tên Imbokodo (hay HVTN 705/HPX2008), được thực hiện từ năm 2017 với sự tham gia của 2.600 phụ nữ. Họ nằm trong độ tuổi từ 18 đến 35, thuộc nhóm nguy cơ bị lây nhiễm HIV cao, đến từ 5 quốc gia: Malawi, Mozambique, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe.
Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, phụ nữ và trẻ em gái chiếm 63% tổng số ca nhiễm HIV mới ở những khu vực này vào năm 2020.
Các tình nguyện viên được chia thành hai nhóm. Trong đó, 1.079 người được tiêm vaccine và 1.109 người tiêm giả dược.
Bà Glenda Grey, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, đồng thời là người giám sát dự án, cho biết 51 người đã tiêm vaccine vẫn nhiễm HIV. Con số này ở giả dược là 63 người.
Theo Science Magazine, hiệu quả của Imbokodo chỉ đạt 25,2%, thấp hơn rất nhiều lần kỳ vọng của nhà sản xuất cũng như chưa đạt mức tối thiểu cho các vaccine phòng bệnh. Vaccine không gây lo ngại về an toàn. Tuy nhiên, với kết quả được xem là thất bại, nghiên cứu buộc phải dừng lại ở pha 2b.
Giám đốc Khoa học của Johnson & Johnson, Paul Stoffels, cho hay nếu vaccine có hiệu quả 50%, nó có thể ngăn HIV bùng phát. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chỉ là 25,2%, không có nhiều sự khác biệt giữa nhóm dùng vaccine và giả dược. Nhóm chuyên gia đánh giá sự khác biệt có thể do ngẫu nhiên, không phải hiệu quả của vaccine.
Mục tiêu của vaccine không phải giúp chúng ta không nhiễm bệnh 100% mà giảm 50% nguy cơ bị HIV. Imbokodo sử dụng cấu trúc, công nghệ tương tự vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson đó là adenovirus 26 - vector virus vô hại. Chúng có nhiệm vụ chuyển 4 gene của HIV vào tế bào người.
Các gene HIV khác nhau được thiết kế để tạo ra protein, kích thích phản ứng miễn dịch, từ đó bảo vệ chúng ta khỏi một loạt chủng virus HIV. Bệnh nhân sẽ được tiêm tổng cộng 4 mũi trong một năm. Mũi tiêm thứ 2 là phiên bản biến đổi gene của protein trên bề mặt của HIV.
Hai liều cuối cùng là protein HIV (phân nhánh C gp140) trộn với tá dược phosphat nhôm để tăng cường phản ứng miễn dịch. Người tham gia đã được theo dõi ít nhất 2 năm.
Ngoài ra, họ được cung cấp thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Các phụ nữ nhiễm HIV đều được hướng dẫn chăm sóc y tế và điều trị bằng thuốc kháng virus.
Trước đó, Johnson & Johnson từng nhiều lần bày tỏ sự lạc quan với vaccine của mình. Năm 2015, Johan Van Hoof, người đứng đầu bộ phận phát triển vaccine Imbokodo, công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn đầu cho thấy nó dung nạp tốt, có thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống HIV.
Khi thử nghiệm trên khỉ, vaccine giúp giảm 90% nguy cơ lây nhiễm. Họ đánh giá đây có thể là bước đột phá với vaccine HIV ở người trong tương lai.
HIV một lần nữa cho thấy chúng rất khó có thể ngăn ngừa bằng vaccine. Ảnh: James Cavallini/Science Magazine
Công cuộc tìm kiếm vaccine HIV còn dài
Sự thất bại trong nghiên cứu của Johnson & Johnson một lần nữa cho thấy độ phức tạp của virus HIV. Tiến sĩ Larry Corey, điều tra viên chính của dự án, cho biết công nghệ mà Imbokodo sử dụng hiệu quả với SARS-CoV-2, song, HIV là virus đòi hỏi mức độ phản ứng miễn dịch cao hơn để đạt được khả năng bảo vệ.
Dù vậy, bà Gray vẫn khẳng định Imbokodo chưa đạt được kỳ vọng của nhóm nghiên cứu, song, nó vẫn tạo dữ liệu hứa hẹn hơn nhiều so với hai thử nghiệm vaccine HIV khác.
“Thất bại cho chúng tôi những tia sáng, có thể tiết lộ các phản ứng miễn dịch bảo vệ và cho phép dự án sắp tới thiết kế ra loại vaccine tốt hơn cho tương lai”, vị chuyên gia nói thêm.
Theo ông Paul Stoffels, mặc dù thử nghiệm thất bại, một loại vaccine tương tự có tên Mosaico, cũng do doanh nghiệp này phát triển, vẫn tiếp tục. Cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã diễn ra ở châu Mỹ, châu Âu từ năm 2019, trên 3.800 người chuyển giới, đồng tính nam. Cả Imbokodo và Mosaico đều gồm 4 liều tiêm trong một năm. Ông Stoffels nói thêm vaccine HIV là rào cản lớn nhưng họ sẽ không bỏ cuộc.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng để phát triển vaccine ngừa HIV.
Theo Axios, từ ngày 19-8, Moderna bắt đầu thử nghiệm trên người với vaccine ngừa HIV được phát triển dựa trên công nghệ mRNA. Moderna cho biết ứng viên phải nằm trong độ tuổi 18-50 và có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV. Hãng này tìm kiếm 56 tình nguyện viên tham gia quá trình thử nghiệm vaccine nói trên. Loại vaccine đang được nghiên cứu có tên gọi là mRNA-1644, theo Clinical Trials Arena.
Trước đó, sau khi vaccine Merck không chứng minh được hiệu quả vào năm 2007, một nhóm chuyên gia đã xem xét lại dữ liệu và nhận thấy nó còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người.
Năm 2009, tại Thái Lan, vaccine này cho thấy hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm HIV khoảng 30%. Điều này khiến hy vọng vào Merck một lần nữa thổi bùng lên. Tuy nhiên, năm ngoái, nghiên cứu kết hợp vaccine này với một loại khác do Sanofi, Glaxo Smith Kline phát triển lại không mang đến hiệu quả.