Thừa Thiên Huế: Bệnh nhân nhiễm mới HIV ngày càng trẻ hóa

Cập nhật: Thứ hai 05/09/2022 - 16:31
  Phân tích xét nghiệm máu cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi
Phân tích xét nghiệm máu cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi

Bệnh nhân nhiễm mới HIV đang có xu hướng trẻ hóa, với trên 80% nằm trong độ tuổi từ 20-40 tuổi.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến tháng 4/2022, tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống đang quản lý là 468 người, trong đó 449 người địa phương, 03 người ngoại tỉnh và 16 phạm nhân ở trại giam Bình điền. Trong 3 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện 12 trường hợp nhiễm HIV.

Để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV, trong thời gian qua công tác phòng, chống HIV/AIDS được địa phương đặc biệt chú trọng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, các cấp, đơn vị và địa phương, thể hiện tập trung các hoạt động tại cơ sở và xây dựng được các mô hình phù hợp.
Chương trình can thiệp giảm tác hại cho nhóm phụ nữ bán dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới được tăng cường, tiếp cận các đối tượng để truyền thông, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đã làm thay đổi hành vi.

Công tác điều trị người nhiễm HIV thông qua quỹ khám chữa bệnh BHYT và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho bệnh nhân đã góp phần giảm kỳ thị phân biệt đối xử, tạo điều kiện cho người nhiễm bộc lộ bản thân. Công tác giám sát dịch HIV/AIDS được triển khai đa dạng thông qua hình thức: tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tại các xã, phường trọng điểm; theo dõi và đánh giá chất lượng hoạt động chương trình; hệ thống quản lý thông tin ca bệnh, người điều trị ARV góp phần cung cấp kịp thời số liệu cho việc xây dựng chính sách, kể hoạch, điều hành công tác phòng chống HIV/AIDS hiệu quả.

Tuy nhiên, khó khăn địa phương vẫn đang phải đối diện đó là sự can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chưa thực sự hiệu quả và can thiệp nhóm nghiện chích ma túy thì đang chuyển dần cho Trung tâm y tế thành phố Huế…

Để giải quyết những khó khăn, bất cập, từ nay đến cuối năm, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm: Phấn đấu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,1%; phấn đấu tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 60%; tỉ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 88%; tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều vị thuốc kháng virus HIV đạt 95%; tỉ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; củng cố, tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phỏng, chống HIV/AIDS.

Đặc biệt tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt 80% người dân trong độ tuổi 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS. 80% người dân trong độ tuổi 15-49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Để đạt những mục tiêu nói trên, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Tăng cường truyền thông vận động nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành liên quan trong việc xây dựng, phổ biến và thực thi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đa dạng hóa các hình thức và đổi mới phương thức thực hiện hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS bao gồm dự phòng và điều trị HIV/AIDS giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, thay đổi hành vi nguy cơ cao ở nhóm người có hành vi nguy cơ cao; quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, thúc đẩy mọi người chủ động phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá những phát minh, sáng kiến cũng như các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đến nhân dân toàn tỉnh, tạo niềm tin của nhân dân, của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phòng, chống HIV/AIDS.

Nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông cho đội ngũ những người làm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Sử dụng tất cả các lực lượng cộng tác viên các ban ngành, đơn vị tham gia truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong đó lấy lực lượng cán bộ y tế nói chung và y tế thôn bản làm nòng cốt trong triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS…


Theo Tiengchuong.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: