Triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày về nhà
Một nhân viên tiếp cận cộng đồng đang cung cấp vật dụng y tế bằng xe gắn máy. Ảnh: UNODC |
Từ ngày 11/2/2021, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã bắt đầu hỗ trợ Việt Nam triển khai chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày về nhà.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), chương trình điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai từ năm 2008, đến nay đã hơn 160.000 bệnh nhân, tuy nhiên cho đến cuối năm 2020, chỉ còn khoảng 52.000 người đang được điều trị trong chương trình.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, kết quả đánh giá cho thấy sự thành công của liệu pháp điều trị cũng như sự phù hợp với bối cảnh quốc gia. Tuy nhiên, các vấn đề về khoảng cách địa lý và đi lại vẫn là rào cản lớn nhất đối với việc duy trì điều trị của bệnh nhân…
Việc cấp thuốc Methadone mang về giúp giảm thiểu các rào cản đối với nhiều bệnh nhân không thể tiếp tục duy trì điều trị. Sáng kiến này không chỉ thể hiện trên khía cạnh trao quyền cho người sử dụng ma túy mà còn đóng góp vào công tác dự phòng COVID-19 do giảm thiểu sự di chuyển và tiếp xúc liên quan đến quá trình tham gia điều trị.
Thông qua việc giảm tối đa thời gian và chi phí đi lại đến các cơ sở điều trị Methadone, sáng kiến cấp thuốc mang về sẽ không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn có tác động tích cực đến gia đình và cộng đồng xung quanh họ.
“Khi nhận được tin về việc triển khai cấp thuốc mang về ở Điện Biên, tôi và gia đình mừng lắm. Tôi bắt đầu điều trị methadone vào năm 2012 và nhờ nó, tôi đã có thể từ bỏ việc tiêm chích heroin và kể từ đó bắt đầu đi làm ở một công ty sơn sửa nhà. Tuy nhiên, việc hàng ngày phải đi đến phòng khám khiến tôi thường xuyên bị trễ giờ làm”, một nam bệnh nhân ở Điện Biên chia sẻ.
UNODC và Chương trình Phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) đóng vai trò quan trọng trong công tác soạn thảo các hướng dẫn kỹ thuật triển khai các chương trình điều trị methadone tại chỗ và mang về. Thành tựu này thể hiện một bước tiến to lớn đối với công tác dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV ở những người sử dụng ma túy.
Sáng kiến được triển khai dưới dạng thí điểm tại 3 tỉnh thành: Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng.
Trong giai đoạn thí điểm vào năm 2021, UNODC sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho việc hoàn thiện các chiến lược giảm thiểu tác hại ở Việt Nam cũng như 23 quốc gia có mức độ ưu tiên cao khác. Sự hỗ trợ của UNODC ở các khu vực này trong chiến lược phát triển và thực hiện các chương trình can thiệp toàn diện cho những người tiêm chích ma túy. Tất cả các chương trình đều được xây dựng dựa trên gói can thiệp toàn diện về chăm sóc và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho người sử dụng ma túy theo khuyến cáo của UNODC /WHO/ UNAIDS.