Xét nghiệm HIV sớm – Giải pháp dự phòng lây nhiễm hiệu quả
Tính đến hết năm 2016, có khoảng 36,7 triệu người hiện nhiễm HIV đang còn sống trên toàn thế giới; tổng số người tử vong do AIDS là 35 triệu người. Tại Việt Nam, lũy tích đến tháng 9/2017, số người nhiễm HIV còn sống là 208.371 người; số bệnh nhân AIDS còn sống là 90.493 người và hơn 90.000 người tử vong do HIV/AIDS.
Riêng 9 tháng năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện là 6.883 người; số bệnh nhân AIDS là 3.484 người và số trường hợp tử vong là 1.260 người. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 14%, số bệnh nhân AIDS giảm 39%, số tử vong giảm 35%. Nhìn chung, dịch HIV vẫn đang có xu hướng giảm ở 3 tiêu chí là số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS. Lây truyền qua đường tình dục vẫn là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay.
Thời gian qua, mặc dù viện trợ quốc tế đang ngày càng bị cắt giảm nhưng Việt Nam vẫn triển khai đồng bộ nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 28/TT-BYT ngày 28/6/2017 về quản lý thuốc ARV được mua sắm tập trung sử dụng nguồn quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc ARV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Đây là hành lang pháp lý để hướng dẫn các cơ sở y tế tiến tới khám và điều trị HIV/AIDS, chi trả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế từ đầu năm 2018.
Đồng thời, ngành y tế đã tăng cường truyền thông về HIV/AIDS, tập trung triển khai các can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh thành phố với 294 cơ sở điều trị cho 51.979 bệnh nhân. Đáng lưu ý là hiện có 25 trung tâm chữa bệnh giáo dục, lao động xã hội do ngành lao động thương binh xã hội quản lý ở 16 tỉnh đang điều trị cho 3.172 học viên. Bộ Y tế đã triển khai thí điểm điều trị Methadone tại trại giam Phú Sơn cho 14 phạm nhân. Đồng thời, nhiều tỉnh, thành phố đang triển khai cấp phát thuốc tại xã, thôn, bản.
Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PREP) cho nhóm có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, đặc biệt là nhóm quan hệ đồng tính nam (MSM). Đây là hoạt động thí điểm, để xác định nhu cầu và cách thức triển khai mở rộng trên toàn quốc.
Những tháng đầu năm 2017, ngành y tế tiếp tục mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đặc biệt ở 15 tỉnh, thành phố có tình hình dịch cao; triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng; mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện cho các tỉnh, thành phố trọng điểm (như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai). Nhờ vậy, thời gian chờ đợi trả kết quả xét nghiệm khẳng định cho bệnh nhân đã giảm xuống cũng như không phải vận chuyển mẫu máu đi xa.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3413/QĐ-BYT ngày 27/7/2017 về việc sửa đổi nội dung tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV; trong đó đáng lưu ý là điều trị ngay cho người được chẩn đoán nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 cũng như giai đoạn lâm sàng của bệnh nhân. Nhờ vậy, đến hết tháng 9/2017, cả nước đã điều trị được 122.435 bệnh nhân; tăng gần 6.000 bệnh nhân so với cuối năm 2016. Đồng thời, ngành y tế đã mở rộng điều trị ARV tại trạm y tế với 10.499 bệnh nhân đã được nhận thuốc ARV tại xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở nước ta vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Việc xét nghiệm phát hiện HIV ngày càng khó khăn. Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện muộn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Các hoạt động can thiệp giảm hại (bơm kim tiêm, bao cao su) và truyền thông được triển khai hạn chế do thiếu kinh phí. Bệnh nhân điều trị thay thế nghiện bằng Methadone và bệnh nhân ARV tăng chậm. Đồng thời, ngân sách Trung ương hạn chế, cấp muộn. Đến nay, 9 tỉnh chưa duyệt Đề án Đảm bảo tài chính; một số tỉnh đã duyệt nhưng cấp không theo cam kết của tỉnh. Việc chuyển đổi nguồn lực từ viện trợ sang bảo hiểm y tế còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế chưa cao do chưa chủ động mua thẻ vì quen được điều trị miễn phí trong nhiều năm qua, không có giấy tờ tùy thân, sai lệch thông tin giữa giấy tờ tùy thân và thông tin bệnh nhân đang quản lý, người nhiễm HIV cố tình giấu danh tính...
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức y tế có sự thay đổi từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, phần nào ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng và tinh thần làm việc của cán bộ y tế. Một số cán bộ có kinh nghiệm trong HIV/AIDS đã chuyển công tác khác.
Năm nay, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (10/11-10/12) và Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) tại Việt Nam là “Xét nghiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Chọn chủ đề này bởi vì chỉ có xét nghiệm sớm mới giúp một người biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Do thời kỳ ủ bệnh (nhiễm HIV không có triệu chứng) khi nhiễm HIV kéo dài nhiều năm nên người nhiễm HIV vẫn khỏe mạnh bình thường. Vì vậy, nhìn bề ngoài không thể biết được một người có nhiễm HIV hay không. Ngay cả khi ở giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng hoặc giai đoạn AIDS thì các biểu hiển của bệnh AIDS vẫn không điển hình mà phụ thuộc vào triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác (như: viêm phổi, ỉa chảy, loét miệng…) nên bác sỹ cũng không thể khẳng định bệnh nếu không làm xét nghiệm.
Đồng thời, xét nghiệm HIV sẽ giúp giải tỏa băn khoăn, lo lắng cho những người có hành vi nguy cơ; đồng thời giúp họ biết cách dự phòng lây nhiễm HIV cho bản thân và gia đình.
Điều quan trọng là người bệnh biết được tình trạng nhiễm HIV sớm để được chăm sóc và điều trị ARV kịp thời. Dù chưa có thuốc điều trị triệt để (khỏi hẳn) HIV nhưng thuốc kháng vi rút (ARV) hiện đã giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống khỏe mạnh và giảm khả năng lây truyền HIV cho người khác. Càng phát hiện sớm nhiễm HIV thì càng được bắt đầu điều trị sớm giúp người nhiễm sống khỏe mạnh và sống lâu hơn.
Thực tế hiện nay, nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Theo ước tính, Việt Nam hiện còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV. Họ sẽ có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng; đồng nghĩa với việc họ cũng không được tiếp cận với các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và giảm lây truyền ra cộng đồng.
Hiện nay, dịch vụ xét nghiệm HIV đã được triển khai rộng khắp cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận xét nghiệm phát hiện sớm HIV. Theo báo cáo, cả nước có khoảng 1.000 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV. Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, người có nhu cầu xét nghiệm HIV có thể tự thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng.