Ấm lòng người thưởng trà
Ông Nguyễn Văn Lịch đang hướng dẫn nghệ thuật pha trà truyền thống |
Trong xâu chuỗi hoạt động của Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011, một hoạt động chính được mọi người dân quan tâm là sẽ được mời ẩm trà như thế nào? Cũng chính vì lý do này mà các thành viên Ban Tổ chức Liên hoan trăn trở, và bằng hết khả năng để mọi du khách đến với Thái Nguyên, khi thưởng ẩm thấy ấm lòng vì được uống trà ngon không đơn thuần ở hương, vị mà cảm nhận được nét đẹp văn hoá thuần Việt ở ngay vùng đất chè.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Phòng Đội thông tin lưu động (Trung tâm Văn hoá Thông tin tỉnh), một trong những cán bộ có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật, đồng thời là người am hiểu về nghệ thuật ẩm thực, đặc biệt là nghệ thuật ẩm thực trà. Ông được Ban Tổ chức giao nhiệm vụ hướng dẫn, huấn luyện cho người pha trà, mời trà và người giúp việc pha trà từng điệu bộ pha trà, dâng mời trà. Gần 300 học viên là sinh viên Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên) được huy động tham gia lớp huấn luyện từ ngày 1-10 cho đến trước ngày khai hội. Ông Lịch cho biết: Trong 25 buổi huấn luyện, các em được hướng dẫn, tập luyện các kiến thức về nghệ thuật pha, dâng mời trà.
Trong khi trò chuyện với chúng tôi, ông không rời mắt quan sát các học viên đang thực hành từng động tác pha trà. Thỉnh thoảng câu chuyện lại đứt đoạn vì thấy có học viên làm sai động tác, hoặc động tác đúng nhưng chưa khớp với nhạc nền. Ông Lịch cho biết thêm: Các động tác pha trà, dâng mời trà được chúng tôi nghiên cứu trên sách vở, đúc rút từ thực tế dân gian để cô đọng lại và thống nhất, hướng dẫn cho các em. Trong thời gian diễn ra liên hoan, các em sẽ được mời tham gia phục vụ tại các hoạt động của lễ hội, mà trọng tâm là buổi “Văn hoá ẩm thực trà” tổ chức tại Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc; “Trà - Tinh hoa trời đất bốn phương” tổ chức ở Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Công viên Sông Cầu và “Đêm đại tiệc trà” tổ chức tại sân Quảng trường 20-8.
Phòng tập được bố trí tại Nhà thi đấu đa năng của Trường Đại học Sư phạm. Mỗi em một bàn, trên có bày biện ấm chén, phích nước, hộp đựng trà. Đây là buổi tập thứ 16, mỗi học viên đã thực hành cách pha trà, dâng mời trà hàng trăm lần, nên điệu bộ đã khá nhuyễn. Sinh viên Phạm Thị Hà cho biết: Hôm đầu học cũng thấy ngại, vì pha trà mà các động tác cứ như diễn viên múa trên sân khấu. Còn Lê Thị Hồng bảo: Đến hôm nay em cũng như các bạn đã khá thuần thục các động tác cổ tay, cách cầm chén, cách dâng mời trà... Hoàng Thị Tâm cho biết: Ở nhà em vẫn pha trà giúp bố mẹ sau mỗi bữa ăn, nhưng pha trà nghệ thuật như thế này thì phải học. Khó nhất là động tác khi dâng trà được cung kính, lễ phép mà không khúm núm.
Văn hoá Trà của Việt Nam là thế. Tôn trọng, hiếu khách nhưng luôn thể hiện được sự nền nã, tôn quý của người dâng mời trà.
Kể từ khi pha cho đến lúc giọt nước trà đằm nơi đầu lưỡi thực khách là cả một quy trình công phu. Người pha trà bắt đầu làm nóng bộ đồ uống trà (gồm ấm, chén), tiếp đến là “Ngọc Diệp vào cung”, tức dùng thìa gỗ múc trà tra vào ấm. Khi châm nước lần 1, nguấy trà, chắt gạn ngay ra (tráng trà) gọi là “Cao sơn trường thuỷ”. Tiếp đến việc châm nước lần 2 gọi là “Hạ sơn nhập thuỷ”. Trà pha xong, đợi ngấm, chuyên ra chén. Người mời trà lúc dâng trà đầu hơi cúi về phía trước, dùng ngón tay giữa đỡ đáy chén, ngón tay cái và ngón trỏ đỡ ôm lấy vành miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc”. Trà dâng mời khách ẩm với một cung cách nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hoá Trà phong của Việt Nam. Khi thưởng ẩm, vị ngọt hậu của trà lan toả trong mạch máu cơ thể, thấy khoan khoái, người tinh tế cảm nhận được đầy đủ những triết thuyết ngũ hành: Kim là siêu đun nước, mộc là trà, hoả là củi lửa, thổ là ấm chén và thuỷ là nước pha trà.
Ngày hội trà đang đến gần, các học viên cũng mê mải hơn trong tập luyện. Bởi mỗi người đều nhận thức được công việc của mình là quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về một nét đẹp văn hoá trà Thái Nguyên.