Cách pha và thưởng trà Tân Cương Thái Nguyên

Cập nhật: Thứ tư 31/08/2011 - 15:39
 Ấm đất nung có ưu điểm là giữ nhiệt rất tốt sẽ giúp bạn có ấm trà ngon.
Ấm đất nung có ưu điểm là giữ nhiệt rất tốt sẽ giúp bạn có ấm trà ngon.

Người xưa pha trà rất công phu. Bởi phải biết pha trà đúng cách, bạn mới giữ được hương và vị thơm ngon của trà. Chính vì thế mà có câu: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh".

"Nhất thủy": Nước dùng pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời, hay từ các nguồn suối tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm mai. Thứ nước tinh khiết đó khi đun cũng không được phép mất độ thanh tịnh để không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà.

 

"Nhì trà" chính là cách chọn trà: tùy theo sở thích mỗi người. Với loại trà nguyên, hay chính là "trà mộc" cánh trà sao quăn giống hình móc câu, cánh tròn, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Trà này được pha ở nhiệt độ 80oC, hay 165 - 170 độ F. Đối với các loại trà được ướp hương từ các loài hoa thì nước pha trà phải có độ sôi ở 200 - 205 độ F.

 

Dụng cụ pha trà gồm chén trà và bình trà: "tam bôi, tứ bình": một bộ đồ trà thường có bốn chén quân, một chén tống để chuyên trà; chén thường là loại chén dạng hạt mít (mắt trâu). Bình cũng có bình chuyên và bình tống. Tùy theo lối uống "độc ẩm", "song ẩm", "tứ ẩm" hay "quần ẩm" mà có những loại bình tương ứng. Trước khi pha trà phải dùng nước sôi để tráng sơ chén và bình.

 

"Ngũ quần anh" chính là "bạn trà", bạn trà là người bạn tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm, hay bàn chuyện gia đình, xã hội.

 

Sau đây là vài chỉ dẫn để bạn có một bình trà ngon:

 

Chọn ấm và chén:

 

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại ấm để pha trà, dùng loại gì hoàn toàn là do sở thích và phụ thuộc vào điều kiện của mỗi người. Ấm trà được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đất nung, kim loại, sứ, thủy tinh, hoặc đất nung nhưng được quét lớp vecni bên trong ấm.

 

Nếu cần sử dụng thường xuyên các loại trà khác nhau như trà đen, trà mộc, trà thảo mộc, trà gừng, trà sâm… thì nên dùng loại ấm trà không lưu lại hương vị, cụ thể là từ chất liệu sứ, bình thủy tinh. Sau mỗi lần sử dụng có thể rửa được sạch để không làm ảnh hưởng đến hương vị loại trà khác. Nếu chỉ uống trà mộc thì nên dùng ấm trà bằng đất nung là tốt nhất, hương trà sẽ dần thẩm thấu, lưu lại trong ấm sau mỗi lần pha.

 


 

Ấm đất nung có ưu điểm là giữ nhiệt rất tốt. Một ấm trà có thể chứa tới 300 ml nước, thoải mái cho một bàn trà 4-6 người. Khi chọn mua ấm trà, cần rót thử để kiểm tra vòi ấm, và độ khít của nắp ấm.

 

Chọn chén uống trà nên kén những chiếc vừa nhẹ, thành mỏng. Để đánh giá được mầu trà được chính xác hơn thì nên chọn loại chén có tráng lớp men sứ trắng bên trong.

 

Khi chọn mua được ấm và chén, trước khi sử dụng cần rửa sạch sẽ và làm cho hết mùi đất mới. Chỉ nên tráng ấm bằng nước nóng rồi luộc ấm, khi sử dụng rồi thì không nên đem rửa trong nước lã hay dùng dụng cụ chà cọ, tẩy rửa.

 

Nước dùng để pha trà:

 

Tốt nhất là nước mưa. Nước mưa hứng ngay giữa trời là sạch nhất. Có thể dùng nước giếng mà là giếng đá ong càng tốt. Ngày xưa, những nhà giàu có thường cho người đi thu gom những hạt sương đọng trên tàu lá sen. Đó được coi là thứ nước đặc biệt, tinh khiết. Ở thành phố thì phải dùng nước máy. Nước máy phải để một thời gian cho bay hết mùi hoá chất khử trùng. Có thể dùng nước tinh khiết hoặc nước qua các bình lọc nước. Khi đun nước dùng bếp than hoặc bếp ga để tránh các mùi lạ thấm vào nước như mùi khói, mùi dầu hỏa…Trà thơm quí đến mấy mà nước lẫn mùi lạ thì không thể ngon được.

  

Cách pha trà Tân Cương

 

Trước khi pha phải rót ít nước sôi tráng ấm, đổ đi rồi mới cho trà vào. Dùng thìa tre hoặc thìa gỗ để múc trà, không nên dùng thìa kim loại. Lần đầu, rót một ít nước sôi tráng qua lớp trà rồi đổ đi, coi như “rửa” trà. Sau đó rót thêm nước sôi ngập lớp trà, để vài phút cho ngấm. Đến lần thứ 3 thì mới rót đầy ấm. Sau đó để chừng 2-3 phút thì có thể thưởng thức.

Lại nữa, không phải trà nào cũng dùng nước thật sôi. Các cụ sành trà rất khắt khe với nhiệt độ nước. Ví dụ lọai trà mộc thì nước sủi tăm là được (khỏang 80 độ C), nước pha trà hương chỉ cần sôi lăn tăn. Các loại trà dược liệu cũng chỉ cần nước gần sôi…Không nên dùng nước sôi sùng sục để chế vào trà vì có thể làm “cháy”, khiến trà trở nên chát.

 

Chè Tân Cương

 

Rót trà:

 

Nên tính xem bao nhiêu người uống thì ước lượng số nước sôi cần rót. Thông thường, nhà sản xuất đã tính sẵn số nước trong ấm vừa đủ cho số chén đi kèm trong bộ ấm chén. Nhưng nếu số người uống ít hơn thì không cần rót đầy ấm. Muốn uống nữa, rót tiếp nước sôi. Làm như vậy để trà khỏi chín nhừ không mất đi hương vị, lại tránh bị nồng.

 

Chú ý khi rót trà, chỉ rót mỗi chén một ít. Khi xong lượt đầu sẽ rót tiếp lượt hai. Như vậy sẽ không có chén nào nước bị loãng quá hoặc đặc quá. Cả cách rót trà cũng là một nghệ thuật cần phải học. Lúc đầu, miệng ấm kề sát với miệng chén, mấy giây sau, từ từ đưa ấm lên cao hơn, vừa đủ để có tiếng nước rót róc rách mà không bắn ra ngòai. Rót sao cho tất cả các mức nước trong từng chén đều ngang nhau. Từng thao tác phải thuần thục, uyển chuyển và duyên dáng. Ánh mắt chăm chú, miệng hơi mỉm cười…Đó chính là nghệ thuật rót trà..

TNĐT(g/t)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: