Chè Thái Nguyên trên đất Thượng Hải
Tác giả cùng bạn bè quốc tế thưởng trà Thái tại phòng khách ký túc xá lưu học sinh |
Người Việt Nam mỗi khi xa Tổ quốc có thói quen mang theo một chút đặc sản quê nhà vừa làm quà, vừa để nguôi ngoai nỗi nhớ trong những ngày tháng xa quê hương yêu dấu.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên đất chè Thái Nguyên, hiện đang là lưu học tại Thượng Hải - Trung Quốc. Trong hành lý của tôi khi rời quê có cân chè xứ Thái. Những lúc cùng bạn bè thưởng thức chén trà quê hương, tôi thực sự thấm thía cái hương vị thân thuộc và quyến rũ, càng cồn cào hơn nỗi nhớ về một vùng quê “ nửa đồng nửa núi”.
Thượng Hải là nơi giao lưu văn hóa, tài chính của nhiều nước trên thế giới. Người dân sống ở đây bị cuốn theo lối sống công nghiệp, họ luôn bận rộn từ sáng đến tối. Nhưng họ vẫn giữ được thói quen di dưỡng tinh thần kiểu phương Đông với thú vui uống trà, uống cafe. Buổi sáng trước khi đi làm, hoặc trong khi làm việc, người Thượng Hải thường pha trà vào bình cá nhân để thưởng thức một mình. Rất hiếm khi họ có thời gian ngồi nhâm nhi bên chén trà với bạn bè như người nơi khác. Sản phẩm chè hay được sử dụng ở đây chủ yếu là của Trung Quốc hoặc nhập khẩu từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc có mùi hương đậm đà và được đóng gói đẹp, tiện dụng.
Đã có lúc tôi cất công đi tìm ở các siêu thị, các cửa hàng bên những đại lộ nổi tiếng của Thượng Hải…, nhưng cũng chỉ thấy ở một số ga tàu điện ngầm, một số đường phố, một số trang web bán hàng có trưng bày sản phẩm của Việt Nam như café Trung Nguyên, mít sấy, mà không thấy bóng dáng chè Thái Nguyên. Tôi thầm nghĩ, giữa một thành phố lớn như vậy, một thị trường khó tính như Thượng Hải, làm thế nào để một ngày chè Thái Nguyên có chỗ đứng?
Câu hỏi đó cứ ám ảnh tôi trong những ngày sống và học tập ở đây. Những buổi tối uống trà Thái Nguyên cùng bạn bè, tôi thường cùng mọi người nói tới điều đó. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên những phút giây cùng bạn bè Việt Nam, quốc tế ngồi nhâm nhi chén trà sau một ngày học tập căng thẳng. Qua nói chuyện tôi mới phát hiện ra rằng, các bạn Việt Nam mỗi lần sang học đều không quên mang theo nhưng món quà quê hương như café, chè. Và tôi cảm thấy vui khi thấy trong hành lý của những người bạn từ Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, hay Hà Nội có chè Thái Nguyên.
Những người bạn ngoại quốc của chúng tôi thường có thói quen uống café hoặc uống chè sản xuất từ Trung Quốc. Lúc đầu, khi chúng tôi mời uống trà Thái họ tỏ vẻ e dè. Nhưng sau một vài lần uống, họ đã cảm nhận được sự khác biệt giữa chè Thái và chè khác. Đến giờ, họ thường xuyên và chủ động uống chè cùng chúng tôi, cùng bàn luận và cùng cảm nhận.
Orest, người Albania nói: “Tôi thích chè Thái Nguyên bởi có hương vị đậm đà như trà quê hương tôi”. Khadija, người Algeria lại cho rằng: “Mùi hương của chè Thái Nguyên thơm giống như chè Trung Quốc, nhưng vị lại đậm hơn. Tôi ấn tượng trà của các bạn”. Còn Mohamed Kontao, người Mali bày tỏ: “ Tôi không hay uống trà, nhưng sau khi uống trà của các bạn, tôi thích hương vị đặc biệt của nó. Có lẽ tôi sẽ thay đổi thói quen sử dụng đồ uống”.
Có thể nói, chén trà quê hương đã kết nối tình bạn, giúp chúng tôi thêm gần và hiểu nhau hơn. Tôi lại nghĩ, với khoảng gần 600 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại thành phố Thượng Hải, mỗi người có thể mang đặc sản quê mình giới thiệu với bạn bè quốc tế. Đây sẽ là những sứ giả giới thiệu sản phẩm không chỉ ở Thượng Hải mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
Đối với chè Thái, cũng cần được chế biến kỹ hơn, đóng gói đẹp hơn, tiện dụng hơn mới đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Hơn nữa, các nhà sản xuất phải có chiến lược quảng bá và phân phối sản phẩm hợp lý. Có như vậy, tôi tin một ngày, sản phẩm chè Thái Nguyên sẽ xuất hiện và có chỗ đứng trong các siêu thị nổi tiếng của Thượng Hải. Tôi cũng đã gặp những người bạn Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Mỹ… đang uống chè Thái và có những cảm nhận khó quên về chè Thái Nguyên quê mình.