Để trà Thái Nguyên đi vào trí nhớ người tiêu thụ
Trà Thái Nguyên bày bán ở sân bay Huế |
Người Việt
Ở Âu châu, trà là một món hàng phải nhập khẩu từ thế kỷ thứ XVII, qua các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh và Đức, cho nên trà là một sản phẩm quý, hiếm, đắt tiền. Người Anh và người Ái Nhĩ Lan nổi tiếng về sự tiêu thụ trà của họ và họ chuộng cách uống trà đen, chủ yếu là trà đen gốc Ấn Độ, Phi châu, với sữa và đường. Trong ngày, người Âu châu uống trà hai lần, buổi sáng sớm khi thức dậy và vào khoảng 4 giờ chiều. Bị chi phối bởi đời sống công nghiệp, họ không có thì giờ pha trà rời trong ấm, ngồi uống nhâm nhi, mà thích sử dụng loại trà gói túi lọc, cho nhanh cho gọn. Họ cũng chú ý mua các loại trà túi lọc tốt cho sức khỏe, có nghĩa là không có keo dán, không gắn miệng túi bằng kim loại, bao đựng túi trà bằng giấy, không phải loại bao kim loại, trong ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ vào cuối tuần, được nghỉ làm việc, họ mới có thì giờ thong thả pha một ấm trà, thưởng thức một loại trà đặc sản chung với bạn bè đến thăm, hay một mình bên cạnh lò sưởi than hồng cháy đỏ, trời bên ngoài càng lạnh thì tách trà thơm nóng càng ngon.
Muốn mua trà tốt, người tiêu thụ Âu châu thường phải đến các siêu thị có bán các mặt hàng có phẩm chất, cao cấp, hay đến những tiệm chỉ chuyên bán trà trong các thành phố lớn. Mỗi khi trở về Pháp, tôi thường đem trà về làm quà tặng hàng xóm, bạn bè, họ rất quý, rất yêu thích và cảm động khi nhận món quà Việt
Vào mùa Giáng sinh, trong gói quà Giáng sinh các hộp trà nho nhỏ xinh xinh chỉ chứa đựng 100 g trà, nhưng bao bì rất đẹp, hoặc là một hộp gỗ nhỏ trong đựng trà rời gói trong giấy như giấy gói kẹo, hoặc là một gói trà đựng trong một cái túi gấm gợi ấn tượng sang trọng y như một cái túi đựng nữ trang vàng bạc để đem tặng, hoặc là những hộp sắt in mẫu hoa rất đẹp, hoặc là trong những bình sứ men trắng đẹp như một bình đựng hoa, đựng kẹo. Người ta thích mua để dùng và để tặng những mặt hàng trà như thế vì các hộp trà, túi trà... có mỹ thuật được giữ làm kỷ niệm, hay sau này dùng vào việc khác, tức là món trà đó và người tặng quà được nhớ mãi.
Cũng thêm một lý do kỹ thuật là trà chóng mất hương thơm, khi đã mở gói ra rồi thì phải uống nhanh cho hết, nên người tiêu thụ thích mua những gói nhỏ. Trong các cửa tiệm bán trà sang trọng ở Âu châu, khách thường chỉ mua 50g trà mỗi lần, uống hết họ lại mua thêm 50g, hay đổi sang một loại trà khác.
Hiện nay khuynh hướng tiêu dùng trà trên thị trường trà thế giới xếp hạng trà xanh lên trên trà đen, về phẩm chất và giá trị dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe. Gần đây, người tiêu thụ có thêm chú ý và nhu cầu đến một loại trà mới, được xếp hạng lên trên cả trà xanh, xem như là “siêu hạng“ các loại trà, đó là trà trắng. Các loại trà đặc sản của các cơ sở sản xuất nhỏ, chất lượng cao, có hương vị thơm thiên nhiên, bảo đảm không sử dụng hóa học trong các công đoạn trồng trọt, chăm sóc cây trà, tăng hương vị hay để bảo quản trà được nhiều người tiêu thụ tìm kiếm, ưa thích.
Có lẽ ít người biết rằng, nước Đức tuy không phải là một quốc gia sản xuất ra trà nhưng lại là một nước xuất cảng trà qua các nước châu Âu khác và nhất là qua Mỹ. Phương cách thành công của người Đức rất dễ hiểu, họ nhập một khối lượng lớn trà, chủ yếu là trà đen và trà xanh, với một giá mua thật rẻ, rồi họ chế biến lại tại Đức, trộn nhiều loại trà với nhau, cho thêm hương vị, đóng gói bao bì mới, rồi xuất cảng đi các nước khách hàng. Khi bán trà thì họ bán luôn cả các loại đường phèn trắng hay nâu, to cục hay nhuyễn, đóng gói trong hộp. Hay có loại đường phèn rất xa xỉ thượng hạng, được vón thành cục trên một đầu của một cái que bằng gỗ, như một cái thìa/muỗng dài, người uống dùng cái que đường ấy khuấy trong tách trà, ly trà. Giá bán 100 g trà trộn của Đức (Ostfriesische Tee) khoảng 4 euros, giá bán một que đường (Kandissticks) là 0,50 euro.
Sở dĩ người Đức thành công trên thị trường trà thế giới vì họ biết nghiên cứu khẩu vị đặc biệt của từng quốc gia khách hàng và sử dụng các hình thức tiếp thị tinh vi đặt trọng tâm vào mỹ thuật bao bì và thông tin về phẩm chất của món hàng.
Thị trường thế giới sản xuất và mua bán nhiều loại sản phẩm trà: trà thô, trà đen, trà xanh, trà trắng, trà vàng, trà Ôlong... Hiện nay công nghệ thực phẩm Âu châu sử dụng trà như một hương vị “mới” vào các sản phẩm như sữa chua trà, kem trà, bánh ngọt trà, kẹo trà...Ngoài việc sử dụng trà trong công nghệ thực phẩm, trà còn được sử dụng để chế tạo mỹ phẩm săn sóc da mặt, nước hoa mùi trà, kem đánh răng, thuốc tẩy rửa nhà cửa, sàn nhà...
Việt Nam là quê hương của trà, có rất nhiều loại trà (chè): trà tươi, trà nụ, trà búp, trà Bạng, trà mạn Hà Giang (trà bánh, trà chi), trà Tuyết Shan (hay Shan Tuyết), trà Suối Giàng (Yên Bái), trà Lam, trà Ô long, trà xanh (trà Thái Nguyên, trà Chính Thái, trà Đồng Lương...), trà đen (sản xuất theo phương thức công nghệ OTD qua các quy trình: làm héo, vò, lên men, sấy khô, sàng phân loại), trà gói ướp hương, trà ướp hoa, trà dược thảo... Trong các loại trà Việt
Muốn làm cho “Trà Thái Nguyên” trở thành một “khái niệm“ trà thế giới, thiển ý của tôi là mọi cơ sở sản xuất trà tại Thái Nguyên nên cùng nhau xây dựng thương hiệu chung “Trà Thái Nguyên“, đó là bậc tiếp thị bậc nhất. Sau đó, đến bậc tiếp thị bậc hai, là thương hiệu riêng của từng cơ sở sản xuất...Có nghĩa là trên tất cả các bao bì đóng gói, thông tin, quảng cáo...danh hiệu “Trà Thái Nguyên” phải được in và sử dụng, để hai chữ “Thái Nguyên” đi vào trí nhớ của người tiêu thụ trà. Rồi tất nhiên sau đó, người mua sẽ tìm về từng cơ sở riêng lẻ tại Thái Nguyên để mua trà.
Trà xanh, trà trắng, trà Ôlong đang có giá trị trên thị trường thế giới hơn là trà đen, nên trà xanh Thái Nguyên có triển vọng thành công hơn nữa. Theo kinh nghiệm của thị trường thế giới, việc đóng gói bao bì là một yếu tố quyết định thành công. Nên ngoài việc đóng gói bao bì lớn cho những nơi bán lại cho người tiêu thụ, trong việc chuẩn bị tổ chức Festival Trà Quốc tế - Thái Nguyên 2011, có thể làm những gói trà nhỏ khoảng 50g hay tối đa 100g đóng gói tuyệt mỹ, để người mua dễ mua về làm quà tặng. Đó cũng là một cách vừa bán hàng vừa quảng cáo tiếp thị thêm cho danh hiệu trà Thái Nguyên.