Làng chè chào đón Liên hoan
Nông dân Đồng Hỷ thu hái chè |
Cùng với những vùng chè nổi tiếng như Tân Cương (T.P Thái Nguyên, La Bằng (Đại Từ), chè Đồng Hỷ cũng đã được người tiêu dùng “xếp hạng”.
Anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Địa phương lựa chọn 3 làng nghề chè tham gia Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất, Thái Nguyên - Việt Nam 2011, trong đó có làng nghề chè xóm 5. Làng chè này nổi tiếng từ những năm 1990. Các hộ sản xuất chè hầu hết từng là công nhân của Nông trường chè Sông Cầu nên họ có kinh nghiệm chăm bón cũng như chế biến chè. Nét riêng có của vùng chè này là sản phẩm chè búp khô đem pha, khi uống vào không có vị chát, hương thơm thoang thoảng, dịu nhẹ, phù hợp với những lễ hội, những đại tiệc. Và hơn cả là thực khách không lo lắng việc uống chè làm ảnh hưởng đến giấc ngủ vì vị chát - thủ phạm gây mất ngủ trong chè ít.
Lời giới thiệu của anh Phương khiến chúng tôi háo hức muốn tìm về xóm 5 để tìm hiểu xem 125 hộ dân nơi đây đang chuẩn bị tham gia Liên hoan như thế nào. Từ trung tâm huyện, ngược Quốc lộ 1B, chúng tôi tìm về xóm 5 của thị trấn Sông Cầu - nơi có những đồi chè bát ngát xanh. Chỉ ngắm những đồi chè thôi cũng đã thấy vô cùng thích thú, không khí dịu mát, trong lành, hương hoa chè lan tỏa. Tại đồi chè rộng 4.000 m2 của gia đình bà Vũ Thị Ngân, chúng tôi thấy không khí rất nhộn nhịp. Trao đổi với bà Ngân, chúng tôi được biết, thông thường sau khi thu hoạch lứa chè tháng 10 thì nông dân sẽ đốn chè nhưng bà vẫn tiếp tục chăm bón vì đồi chè của gia đình được chọn là địa điểm tham quan của du khách dự Liên hoan. Với những hộ có vườn chè được chọn là địa điểm tham quan, bà con đang tập trung chăm sóc, còn những hộ được lựa chọn sản phẩm tham dự Liên hoan cũng đang tất bật với việc chuẩn bị. Khi chúng tôi đến, gia đình ông Trịnh Bá Ân, một trong những hộ làm chè giỏi, chè chất lượng cao của xóm đang thu hái, chế biến, đóng gói sản phẩm để mang đi trưng bày. Ông cho hay: Sau khi chế biến xong, chè được đóng gói rút chân không. Mỗi gói chè được đặt trong các ống tre trúc, được trang trí giản dị nhưng rất bắt mắt.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quý, Bí thư Chi bộ xóm nói: Được lựa chọn tham gia Liên hoan Trà Quốc tế là một vinh dự lớn đối với người dân xóm 5, nhưng đây cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Bởi thế, chúng tôi đang cố gắng chuẩn bị những sản phẩm chè độc đáo nhất mang đến Liên hoan. Cầm chén trà, nhấp thử một ngụm, chúng tôi tuy không phải là người sành uống trà nhưng cũng cảm thấy vị thơm, ngon. Khi uống, vị trà không chát đậm mà ngọt ngào, quyến rũ. Được biết, đây là sản phẩm trà được sản xuất từ nguyên liệu chè búp tươi, với tên gọi giống chè Nhật. Đây là giống chè đã được đưa về xóm 5 trồng từ cách đây hơn 20 năm. Thấy được sự đặc biệt của giống chè này, nhiều hộ dân ở các xã lân cận đã mua về trồng tuy nhiên chỉ có ở đây, chè mới phát triển và cho chất lượng tốt, chè làm ra đến đâu, bán hết đến đó, thậm chí nhiều lúc chè làm ra không đủ bán.
Ông Hoàng Xuân Thuỷ, Trưởng xóm rất hào hứng. Ông bảo: Ngay khi biết được lựa chọn đi tham gia Liên hoan, chúng tôi đã tổ chức họp xóm lấy ý kiến của người dân và được bà con ủng hộ nhiệt tình. Thậm chí người dân trong xóm còn tự đóng góp tiền để chuẩn bị các nội dung tham gia Liên hoan. Bà con cùng thống nhất sẽ tham gia đủ 3 phần thi theo yêu cầu của Ban Tổ chức là thi cúp văn hoá trà Việt (pha trà, mời trà), cúp bàn tay vàng (sao chè) và cúp búp chè vàng (chè ngon). Người tham gia dự thi là những nữ tú duyên dáng nhất, được xóm bình bầu rất chặt chẽ. Theo ông Thủy: Tham gia Liên hoan lần này, người dân xóm 5 không chạy theo xu hướng hiện đại mà khu trưng bày vẫn phải mang đậm chất thôn dã của một miền quê nằm bên dòng Như Nguyệt (sông Cầu) thơ mộng, được bài trí chủ yếu bằng vật liệu tre trúc. Khu vực trưng bày được lợp bằng lá cọ, bộ bàn ghế dành cho khách thưởng trà sẽ được làm từ gốc cây hoặc bằng mây tre.
Mong muốn chung của người làm chè xóm 5 cũng như các làng nghề chè khác trong tỉnh khi tham gia Liên hoan không chỉ là quảng bá, bán hàng mà là được tôn vinh, từ đó đưa thương hiệu chè của địa phương đến với mọi miền của đất nước.