Rộn ràng "nhan sắc" chè Việt

Cập nhật: Thứ tư 09/11/2011 - 18:01

Từ sáng sớm ngày 9-11, sân Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã rộn ràng tiếng cười nói của đông đảo người từ nhiều quê chè về hội. Ai nấy đều phấn chấn, tự tin khi mang cây chè đẹp của quê hương mình đến đất Thái Nguyên thi tài.

Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Trà đã nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng các đội tham dự Hội thi. Đồng chí nhấn mạnh: Vẻ đẹp của cây chè qua bàn tay chăm sóc của con người đã trở thành kiệt tác tuyệt vời, cây chè trở nên có hồn cũng bởi đầu óc thẩm mỹ tinh tế của mỗi nghệ nhân...

 

Trong màu nắng vàng tươi, từng chiếc xe ô tô được trang trí đẹp mắt, đi bên cạnh có 4 thiếu nữ mặc áo dài truyền thống, tay nâng dải lụa hồng làm tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên của cây chè. Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết: Hội thi có 16 đội tham gia, trong đó có 9 đội đại diện cho các huyện, thị và thành phố của tỉnh. Đặc biệt trong Hội thi này còn có sự tham gia của Câu lạc bộ Sinh vật cảnh Phú Lương, Làng nghề chè Quyết Thắng (Tức Tranh, Phú Lương), Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) và 4 tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ.

 

Tham gia Hội thi, các đội trải qua 2 nội dung: Rước và giới thiệu cây chè của địa phương; thi kiến thức hiểu biết về sản xuất, chế biến chè. Nhìn chung các đội đều đưa ra được đáp án trả lời chính xác. Anh Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp PTNT huyện Đại Từ cho biết: Chúng tôi mang cây chè đi dự Hội thi là muốn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cây chè đối với đời sống con người...

 

Gần đó, chúng tôi thấy một cây chè gộc gựa, toàn thân mốc trắng như đá núi. Hỏi ra mới hay đó là cây chè của anh Hoàng Văn Kiên, đến từ Hà Giang, nơi có dòng sông Gâm tắm tưới cho những nương chè cổ. Anh Kiên tâm sự: Qua đài, báo tôi biết Thái Nguyên là đơn vị tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế, Hội thi cây chè đẹp, nên tôi xin phép Hội Nông dân tỉnh Hà Giang và Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên được tham gia với tư cách cá nhân. Cây chè của tôi có tuổi đời 99 năm, cây mang dáng thế của vùng cao nguyên đá. Vì vẻ đẹp thân, gốc vững chãi, già nua nhưng trên ngọn lại non tươi những búp xanh, nên hành trình của tôi và cây chè này gặp rất nhiều gian nan trên đường đến đến với Hội thi...

 

Tôi hỏi giá trị của cây chè, anh Kiên bảo: Chẵn 100 triệu, nhưng tôi hiến cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên trồng tại vườn chè cổ ở Khu Không gian Văn hóa trà Tân Cương. Đối với cây chè của đội Yên Bái phải trải qua nhọc nhằn hơn 200 cây số đi thi. Chị Đặng Bích Nguyệt, hội viên Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: Ở độ cao gần 1.400 mét so với mặt nước biển, Yên Bái có chè shan tuyết Suối Giàng nổi tiếng cả nước về chất lượng. Cây chè 100 năm tuổi này chúng tôi mang về Hội thi với tâm nguyện giới thiệu với du khách, với người Thái Nguyên về quê hương tôi, nơi chè shan tuyết luôn gần gũi với cuộc sống con người.

 

Về dự Hội thi, tỉnh bạn Tuyên Quang và Phú Thọ cũng ăm ắp với niềm vui được gặp gỡ giao lưu và nguyện góp một cây chè của Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang, một cây chè của đất Tổ Vua Hùng cho bãi chè cổ nơi Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên. Với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thọ, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), làm "sứ giả" của Trường khi mang cây chè về Hội thi, cho biết: Nhà trường là một trong những cơ sở gắn bó với cây chè của Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, vì thế khi mang cây chè đi dự Hội thi, chúng tôi muốn được biết thêm về sự phong phú của cây chè Việt, để qua đó tìm hiểu, nghiên cứu, lai tạo cho cây chè phát triển tốt hơn, chất lượng hơn...

 

Bên 1 cây chè cổ thụ, ông Phạm Ngọc Diễn, người dân xã Sơn Cẩm (Phú Lương) nhận xét: Tôi thấy Hội thi phong phú về nội dung, đa dạng về dáng cây. Nhưng với tôi thì cây nào cũng xứng đáng đạt giải. Còn 2 khách nước ngoài, bà Lihbeth L.Coronado (Phi-Lip-Pin) và bà Chantal Thompson (Ca-na-đa), đang là tình nguyện viên dạy ngoại ngữ tại Đại học Thái Nguyên, nhận xét: Hội thi thú vị, ấn tượng, có nhiều người mặc trang phục lạ. Còn cây chè, chúng tôi không hiểu tại làm sao khi cái phần gốc đã quá già mà trên ngọn lại toàn những lá non. Tôi chỉ muốn nói với các bạn là chè Thái Nguyên - Việt Nam uống ngon. Anh bạn trẻ Peeter Sas (Hung-Ga-Ri) thì hóm hỉnh: Tôi đến Việt Nam, thấy con người hồn hậu. Khi xem Hội thi cây chè, tôi thấy người Việt Nam có tâm hồn tinh tế, sâu sắc...

 

Đẹp. Tôi cũng có suy nghĩ như thế. Vì 16 cây chè của 16 đơn vị, cá nhân tham dự Hội thi là sản phẩm tinh thần, là "uy danh" của mỗi vùng chè. Bằng sự trải nghiệm của các thành viên trong Ban Giám khảo, và căn cứ vào các tiêu chí về cây chè đẹp, Ban Tổ chức đã lựa chọn, trao giải Vàng cho cây chè của huyện Đại Từ; trao giải bạc cho cây chè của các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Trường Đại học Nông lâm và T.P Thái Nguyên. Ngay sau Hội thi, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ bàn giao và trồng cây chè đẹp của các tỉnh, các địa phương và làng nghề tham dự tại vườn chè cổ ở Không gian Văn hóa trà Tân Cương.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: