Sản xuất chè an toàn ở Phúc Thuận

Cập nhật: Thứ tư 06/07/2011 - 08:58
 Nông dân Phúc Thuận thu hái chè
Nông dân Phúc Thuận thu hái chè

Đến thăm làng nghề chè truyền thống xóm Bãi Hu, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những luống chè xanh non mơn mởn và được thưởng thức hương vị thơm ngon, ngọt hậu của vùng chè đặc sản đã có từ cách đây 50 năm. Được biết, để có những sản phẩm chè chất lượng tham gia Festival trà Quốc tế vào tháng 11 tới, các hộ dân đã bắt đầu sử dụng phân vi sinh thay cho phân hóa học và hướng tới sản xuất chè an toàn để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng...

 

Ngồi trong căn nhà xây khang trang, bên ấm trà tỏa hương thơm dìu dịu, ông Phạm Văn Yên - Trưởng xóm Bãi Hu chia sẻ: Tôi không biết cây chè được trồng ở nơi đây từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi lớn lên đã thấy cha mẹ tôi chăm sóc và chế biến chè. Sau một ngày vất vả thu hái, vào buổi tối, trong mỗi gia đình đều đun bếp đỏ lửa để sao ra những mẻ chè phục vụ phiên chợ ngày hôm sau. Từ đó đến nay, chúng tôi tiếp tục gắn bó với loại cây này và hàng năm trồng thay thế những bãi chè đã già cỗi, kém năng suất bằng những giống chè cành có chất lượng cao. Toàn xóm hiện có 180 hộ thì có tới hơn 100 hộ làm chè. Tổng diện tích chè của xóm khoảng trên 20 ha. Do được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa những giống mới vào nên năng suất, chất lượng chè của chúng tôi không ngừng được cải thiện. năm 2011, chè cành các loại như: LDP1, Phúc Vân Tiên… đã chiếm khoảng trên 70% diện tích chè của xóm. Chúng tôi phấn đấu sang năm tới sẽ xóa bỏ nốt diện tích chè trung du còn lại. Hiện nay, mỗi năm Bãi Hu cung cấp ra thị trường khoảng trên 130 tấn chè búp khô, tăng khoảng 40 tấn so với năm 2003.

 

Chị Phạm Thị Thế, người dân trong xóm nói: Nhà tôi có 3 sào chè trung du và 1 sào chè cành mới trồng. Do chăm bón tốt, mỗi lứa gia đình cũng thu hái được 80 kg chè búp khô, giá bán trung bình 80 nghìn đồng/kg. Một năm thu hái được 7 lứa, gia đình tôi cũng có khảng 50 triệu đồng tiền chè. 2 lứa chè vừa rồi, hơn 1 sào chè của nhà tôi được bón thử nghiệm phân vi sinh Azotobacterin do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Qua theo dõi và đối chứng, chúng tôi nhận thấy bón phân vi sinh cây chè xanh hơn, lá dày và bóng sáng hơn, búp dài và đồng đều hơn so với chè sử dụng phân bón hóa học NPK. Kết quả thu hái trên diện tích là 1 sào, luống chè bón phân vi sinh có năng suất cao hơn chè bón phân hóa học thông thường là 36 kg chè búp tươi. Ngoài ra, chúng tôi còn được khuyến cáo đây là loại phân bón có tác dụng kích thích cây trồng phát triển, tăng sức đề kháng đối với sâu bệnh và cải tạo đất, tăng cả năng giữ ẩm của đất…

 

Để hướng tới sản xuất lâu dài, cải tạo đất trồng chè và sản xuất ra những sản phẩm chè an toàn phục vụ Festival trà Quốc tế, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đưa giống phân bón này vào sử dụng. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, từng bước hướng tới sản xuất chè an toàn, người dân Bãi Hu còn có thức giữ gìn gìn vệ sinh môi trường. Đầu năm 2011, được tổ chức Nhà thờ thế giới tài trợ, xóm đã xây công trình thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc trừ sâu. Ông Yên nói: Trước đây, khắp các bãi chè của chúng tôi đâu đâu cũng nhìn thấy la liệt vỏ thuốc trừ sâu, nhất là trên các dòng sông, suối, ao hồ. Từ khi có công trình trên, bà con đã có ý thức thu gom lại để đốt và không vứt bừa bãi.

 

Chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Mạnh, một trong những hộ dân làm chè ngon có tiếng của xóm. Ông chia sẻ: Để làm chè ngon phải chú ý các công đoạn từ chăm sóc, bón phân đúng cách, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và sao sấy đủ độ lửa để chè vừa giữ được hương vị thơm mà cánh không bị nổ. Đặc biệt, đối với các loại sâu bệnh như: Rầy, bọ trĩ, nhện đỏ… phải phun thuốc đặc trị kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chè. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như bản thân người làm chè, chúng tôi đã hướng tới làm chè an toàn như: không sử dụng các loại thuốc độc hại đã bị Nhà nước cấm lưu hành, phun thuốc trừ sâu bệnh đúng thời gian cách ly mới tiến hành thu hái và chế biến… Hiện, những tấm chảo gang tôn, máy vò chè bằng tay đã được bà con thay bằng tôn quay mô tơ điện. Tất cả các công đoạn sao sấy đã được cơ giới hóa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Đời sống của người dân Bãi Hu cũng đã được cải thiện đáng kể. Nhà nào cũng mua sắm được các phương tiện phục vụ sinh hoạt như: ti vi, tủ lạnh, xe máy… Xóm chỉ còn 17 hộ nghèo, giảm 40 hộ so với năm 2003. 9km đường trong xóm đã được bê tông hóa, phục vụ thuận tiện cho việc đi lại và thông thương hàng hóa của người dân.

 

Tuy nhiên, người dân xóm Bãi Hu vẫn mong muốn là được xây dựng thêm một trạm điện để phục vụ việc sản xuất của bà con. Bởi vào buổi tối, thời điểm khi các gia đình chuẩn bị bếp để sao chè thì điện thường yếu. Hệ thống máy quay, máy vò chạy bằng điện không thể hoạt động được, khiến bà con phải quay tay rất vất vả và tốn thêm công lao động. Hy vọng rằng, niềm mong mỏi ấy của bà con xóm Bãi Hu sẽ sớm được các ngành, các cấp có liên quan quan tâm.

Lương Hạnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: