Thái Nguyên - một búp chè xanh xanh ngát

Cập nhật: Thứ ba 25/01/2011 - 09:23
 Nhà văn Trần Thị Tuyết phỏng vấn ông Trần Văn Thái, xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên.
Nhà văn Trần Thị Tuyết phỏng vấn ông Trần Văn Thái, xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên.

LTS: Nhà văn Trần Thị Tuyết, một Việt kiều sống tại Pháp nghe được thông tin về Festival Trà quốc tế tại Thái Nguyên đã tìm đến nơi này. Chỉ sau 10 tiếng đồng hồ được tiếp xúc với người trồng và làm chè, chị đã có bài viết đầu tiên về chè. Báo Thái Nguyên trân trọng giới thiệu bài viết này đến bạn đọc

 

Thái Nguyên - Một cái tên tưởng rất xa, mà lại rất gần, chỉ nằm sát cạnh Hà Nội, sau khi qua cầu Đuống. Từ Hà Nội đến Thái Nguyên chỉ mất một tiếng rưỡi đường xe... Đường dẫn vào Thái Nguyên san sát nhà cửa, dân cư đông đúc, đủ mọi hàng quán, đời sống dân chúng xem như rất đầy đủ. Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng về công nghiệp, quặng mỏ, luyện kim, không chỉ nổi tiếng vì có một khu đại học hiện nay đứng vào hàng thứ ba của Việt Nam, Thái Nguyên còn là một búp chè xanh tươi mát, thơm đậm đà mùi cốm mới. Đến Thái Nguyên, nếu không ghé ngang thăm đồi chè thì chưa thấy cái thơ mộng của gốc chè, lá chè, hoa chè và cái cần mẫn của những bàn tay khéo léo tạo nên những gói chè xanh đặc sản. Chè ở đây, có nghĩa là trà, chè xanh tức là trà xanh (tee vert, green tea).

 

Những gốc chè cổ, tuổi dễ có đến hơn trăm năm, khô cứng, vẫn tiếp tục cho hoa cho lá, một sản phẩm thiên nhiên tuyệt vời. Hoa chè mầu trắng ngà, có năm cánh bọc quanh một tâm tròn chứa đến cả trăm nhị vàng đậm, rất thơm, thơm như mùi hoa lài. So sánh đồi chè Thái Nguyên với những ruộng nho bên Pháp đem lại nhiều liên tưởng. Cũng những gốc cây tưởng chừng cằn cỗi, trồng thành hàng, cao thâm thấp, cách nhau bởi một lối đi. Cũng những phong cảnh ruộng nho, hay đồi chè, thoai thoải, bồng bồng chập chùng, đồi nọ nối đồi kia. Cũng những người hái nho, hái trà bằng tay với tất cả mọi sự cẩn trọng nhưng nhanh nhẹn. Cũng những sản phẩm thiên nhiên của đất cho người, một chén chè sóng sánh xanh vàng, hay một ly rượu vang đỏ đậm đà.

 

Đã từ lâu lắm, ngang qua thời Pháp bảo hộ vùng đất  “Tonkin”, tức là “Bắc kỳ”, những gốc chè từ Phú Thọ được đem về trồng ở Thái Nguyên. Thời xưa, đất hẹp, nên những gốc trà được trồng khá khít nhau, lối đi cũng nhỏ. Mọi công việc chế tạo ra chè đều phải làm hoàn toàn bằng tay: hái từng chiếc lá, sao chè cho bớt nước, vò chè cho lá chè xoắn lại... đều làm bằng tay, bằng những công cụ bếp núc thô sơ. Bây giờ, công việc chế tạo chè đã có chút tiến bộ về kỹ thuật, bớt nặng nhọc, nhưng sức người vẫn là chính.

 

Phong cách trồng chè cũng có thay đổi, các gốc chè mới được trồng thưa ra hơn, cách nhau 30 cm, khoảng cách giữa hai đường chè cũng rộng ra hơn, từ 1,2-1,5 mét. Kỹ thuật này giúp cho cây chè xòe tán rộng hơn, cho nhiều lá hơn, người hái cũng dễ di chuyển, len lỏi giữa những gốc chè. Khác với ruộng nho, chân ruộng nho rất sạch sẽ, không có một cọng cỏ dại, đất nứt nẻ như thiếu nước, thì ở đồi chè, cành chè gẫy, lá chè già được tỉa rồi bỏ lại tại chỗ, tạo thành một lớp cây lá dày dặn, phủ đất, phủ chân gốc chè cho ấm, vừa tạo thành một lớp phân bón hữu cơ mới, khi cành và lá cũ mục rữa qua năm tháng. Đây cũng là một phương cách thường được sử dụng của nông dân Pháp trong các vườn trồng cây ăn trái, táo, lê, mận, đào..., hay để bảo vệ rừng, giúp cho cây con mọc nhanh và khỏe mạnh bên cạnh các cây mẹ. Tuy thế, các gốc chè được bón thêm phân chuồng, phân hữu cơ, người trồng chè cố gắng tránh dùng phân vô cơ, chất hóa học. Bên Pháp, nhiều nông dân cũng sử dụng phân súc vật, luôn cả rơm rạ của các chuồng nuôi súc vật, bã củ cải đường, và các loại phế thải thực vật để làm thành phân bón.

 

Theo chân người hái chè lên đồi chè mới thấy họ có một kỹ thuật đặc biệt để hái từng chiếc lá một, từng búp chè một mà không làm nát lá, hay sước cành. Người hái chè ăn theo lương ngày, hay công khoán. Hái chậm thì cũng hái được 7-8 kg lá chè tươi một ngày. Bàn tay ai dẻo dang, khỏe mạnh có thể hái đến 20kg, thậm chí 30 kg lá chè tươi trong một ngày làm việc. Cây chè thâm thấp, vừa tầm, không phải còng lưng như cấy lúa trên đồng, lưng không phải đeo gùi nặng trĩu như người hái nho. Người hái chè hái theo nhịp điệu riêng của mình, trời nắng thì được che tán, trời mưa thì được che bạt. Nên, trong làng xã, cả người lớn tuổi và trẻ con, cũng đi hái chè. Một công việc lao động được xếp vào hàng “nhẹ”, giúp cho xã hội tận dụng được những người gọi là “chân yếu tay mềm”.

 

Chúng tôi đến nhà bác Trần Văn Thái, ở xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên để xem làm chè. Thành phẩm được tính theo tỷ lệ 1:5, tức là khoảng gần 5 kg chè tươi thì cho được 1 kg chè để làm nước uống.

Lá chè hái xong, phải được đưa nhanh chóng vào bảo quản chỗ mát mẻ, khô ráo, chờ được sao. Công đoạn sao chè, vò chè... phải được thực hiện ngay sau khi hái. Sao chè cũng có ba giai đoạn, sao tươi, sao khô và sau cùng là sao ròn (Có khi còn gọi là rang tươi, rang khô, hay rang ròn). Cơ sở chế biến chè hiện nay được trang bị bằng những lò “tôn quay”, máy vò, nhưng người thực hiện các công đoạn xứng đáng được gọi là nghệ nhân. Hai bàn tay là “cái máy” đo nhiệt độ trong lò cho vừa nóng, thêm củi, bớt củi, tăng nhiệt, hạ nhiệt, là “cái máy” đo độ ẩm của mẻ chè đang quay trong lò, là “cái máy” đo độ ròn vừa tới. Đôi mắt thẩm định máy vò lá đã vò đủ độ xoắn chưa, theo dõi chăm chú sự biến đổi của mầu chè đang sao trong lò, từ mầu lá xanh tươi sang mầu xanh bạc bạc, rồi đổi thành mầu trà xanh đen. Cái mũi ngửi trong không khí, mùi tươi non của lá khi nào thì biến thành mùi trà thơm mùi cốm mới. Với kinh nghiệm lâu năm, “nghệ nhân điều khiển cái lò “tôn xoay”, khi xoay ngược, khi xoay xuôi, khi xoay chậm, khi xoay nhanh... Tiếng động của máy, tiếng quạt gió, tiếng củi nổ lắp bắp, ánh sáng lửa bập bùng, mùi lá tươi, mùi trà mới rang... gợi nhớ đến cả những đêm gói bánh chưng ngày Tết. Làm việc, nhưng vui vẻ, rôm rả. Các công đoạn chế biến xem sao thấy dễ dàng, nhanh chóng như một trò ảo thuật. Bởi thế, chè Thái Nguyên được tiếng là chè “đặc sản”, có phẩm chất vượt hẳn những loại chè “rẻ” trên thị trường. Nếu cả 6 lò tôn xoay của bác Thái đều được sử dụng thì bác bảo đảm, cứ mỗi tiếng là rang xong 2kg chè mới.

Chè “mới” cho một tách chè với làn nước xanh vàng trong vắt, thơm mùi cốm, mùi đồi chè và nhất là không đắng. Các loại chè đắng, cho nước mầu nâu cam, có mùi hôi, mùi cá, có váng trên mặt nước chè... là các sản phẩm thiếu phẩm chất, không nên tiêu thụ.

 

Một trong ba doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh chè Thái Nguyên đó là Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình. Bà Tổng giám đốc Đỗ Thị Đức Lý cho biết, Công ty của bà đã chuyển hướng thị trường từ năm 2009. Bà từ chối không nhận sản xuất và bán chè theo sức ép của người mua trên thị trường quốc tế, họ ép giá đến mức tối đa, gây thành sức ép trên sản xuất, cốt chế tạo trà “rẻ”. Từ chiến lược “70% xuất khẩu, 30% nội địa”, bà Đỗ thị Đức Lý lái con thuyền kinh doanh chuyển hướng ngược lại thành 70% nội địa, 30% xuất khẩu. Song song với việc khẳng định mảng thị trường của mình là “tăng giá trị sản phẩm, cung cấp cái sang trọng của việc thưởng thức một chén chè ngon“. Sản phẩm cao cấp nhất của công ty Tân Cương - Hoàng Bình là “Ngân Long Trà”, “Tri âm Trà”, một loại trà còn được gọi nôm na ở Thái Nguyên là “chè đinh” vì các búp chè non hạng nhất được sao khô, nhỏ như cái móc câu, cái đinh, xoắn với nhau. Từ những suy nghĩ, cân nhắc, suy tính, sao cho sản phẩm chè Thái Nguyên giữ chỗ đứng trên thị trường và phát triển thêm nữa, mọi kế hoạch “marketing” của bà Đỗ thị Đức Lý đem đến thêm công việc cho các ngành nghề liên quan, từ cái bao đóng gói, cái hộp giấy, bộ ấm trà đặc biệt, cho đến cái túi thổ cẩm thêu có ba đồng tiền điếu, gợi nhớ những con người lao động tạo ra sản phẩm ở Thái Nguyên, một nơi có nhiều người dân tộc sinh sống.

 

Tại châu Âu hiện nay, phong trào uống trà xanh (tee vert, green tea) đang phát triển. Một số bài báo về các tính chất bổ ích của chè xanh, giảm mỡ, lọc thận, có tác dụng phòng - chống ung thư… đưa người châu Âu chú ý hơn về chè xanh. Nếm qua các sản phẩm chè xanh có bán trong các siêu thị ở châu Âu, mới thấy chè xanh Việt Nam mà ở đây, chè xanh Thái Nguyên xứng đáng phải có một chỗ đứng hàng đầu trên thị trường quốc tế. Vấn đề đọng lại ở đây là làm thế nào để chiếm lĩnh thị trường, xây dựng hệ thống phân phối và thương hiệu quốc tế cho các cơ sở, doanh nghiệp, làng xã, nghệ nhân chè ở Thái Nguyên. Dẫu sao, cái tin vui, “cháy hàng” chè Thái Nguyên vào dịp đón Tết Tân Mão, các cơ sở không sản xuất kịp mức yêu cầu là một điều rất đáng hãnh diện.

Thái Nguyên, 1/2011
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: