Thay đổi thói quen trồng, chăm sóc và chế biến chè

Cập nhật: Thứ sáu 29/07/2011 - 08:10
 Nông dân xã Điềm Mặc, Định Hóa thu hái chè
Nông dân xã Điềm Mặc, Định Hóa thu hái chè

Festival Trà quốc tế lần thứ nhất (được tổ chức từ ngày 11 đến 15-11-2011) là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, là cơ hội để quảng bá, nâng cao hình ảnh văn hóa - du lịch truyền thống, tôn vinh cây chè và thương hiệu trà Thái Nguyên.

Cùng với các địa phương khác tỉnh, huyện Định Hóa đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hưởng hứng Festival, trong đó tập trung xây dựng và phát triển mô hình chè thâm canh chất lượng cao, kết hợp với chỉnh trang chăm sóc các vườn chè thuộc xã Điềm Mặc để phục vụ cho khách tham quan. Đây cũng là dịp để khuyến khích người dân thay đổi thói quen trồng, chăm sóc và chế biến chè, từ đó nâng cao giá trị cây chè và thu nhập của người trồng chè.

 

Khu vực chè thâm canh được huyện Định Hóa lựa chọn đầu tư chăm sóc, cải tạo là 5ha chè kinh doanh của 52 gia đình thuộc các xóm: Song Thái, Bản Quyên, Đồng Lá 3, Bản Giáo, Bản Tiến, Bản Hóa của xã Điềm Mặc. Chương trình bắt đầu thực hiện từ 3-2011, theo đó các gia đình tham gia chương trình sẽ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè theo quy trình an toàn sinh học; hướng dẫn cải tạo vườn chè, tạo tán mới, làm đường lên vườn để phục vụ khách tham quan; hỗ trợ 30% phân bón theo quy trình kỹ thuật chăm sóc cây chè…

 

Phấn khởi và háo hức là tâm trạng chung của bà con khi những nương chè của gia đình mình vinh dự được chọn là địa điểm đón tiếp khách tham quan. Chị Đặng Thị Dương, xóm Song Thái 2 nói: “Trên nương chè, ruộng lúa hay tại các buổi sinh hoạt tập thể, đâu đâu cũng nói chuyện về Festival Trà sắp tới. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc và chế biến chè, những kiến thức mới được học, cách thức giới thiệu cho khách tham quan về sản phẩm chè của địa phương, phong tục làm chè bản địa… Không vui sao được khi sắp tới những nương chè quen thuộc, sản phẩm chè địa phương sẽ được du khách cả nước, thậm chí cả khách quốc tế biết đến, từ đó giá bán chè có thể sẽ tăng lên, đời sống của người trồng chè sẽ được cải thiện. Bản thân chị Dương, sau khi được Trạm Khuyến nông huyện tập huấn kiến thức về chăm sóc và chế biến chè đã lập tức áp dụng bài học vào nương chè của gia đình. Chị Dương đã tăng cường sử dụng phân bón vi sinh, phân chuồng và các loại thuốc trừ sâu sinh học theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật. Theo chị Dương, áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới vừa tiết kiệm đáng kể tiền đầu tư, vừa tăng năng suất và chất lượng chè búp tươi.

 

Gia đình anh Hoàng Thành Từ, xóm Bản Tiến lại chú ý vào việc chỉnh trang nương chè của gia đình. Từ đầu tháng 5, sau mỗi vụ hái chè anh đều phát chỉnh lại tán và luống chè cho bằng, thiết kế lại đường phân lô… những công việc mà trước đây anh chưa từng làm - Cách làm này vừa giúp cho cây chè mọc nhanh và đều hơn ở những lứa tiếp theo, vừa tăng mỹ quan của vườn chè - anh Từ chia sẻ. Cùng với đó, anh cũng dành quỹ đất để cải tạo lại đường lên nương chè nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan. Anh cho biết: Đến đầu tháng 8 âm lịch anh sẽ đốn chè theo hướng dẫn để vườn chè cho thu hoạch đúng thời điểm tổ chức Festival. Với gần 1 nghìn m2 chè, gia đình anh Từ đã đóng góp đối ứng cho chương trình 2,1 triệu đồng để được nhận phân bón chăm sóc vườn chè theo quy trình kỹ thuật.

           

Festival Trà đang đến gần, điều đáng phấn khởi là tư duy về chế biến và tiêu thụ chè của người dân đã từng bước thay đổi. Anh Ma Công Thuận, Trưởng xóm Bản Hóa cho biết: Bà con đều hiểu, để tạo dấu ấn với du khách tham quan cần có những sản phầm chè ngon, đặc trưng và cách thức chế biến độc đáo. Do vậy, họ đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của sản phẩm chè thay vì chỉ sản xuất đại trà lấy số lượng như trước. Anh La Công Hiệp, xóm Bản Hóa là một trong những gia đình tiên phong trong cải tiến cách thức thu hái và chế biến chè như vậy. Với tập quán chung của người dân trồng chè ở Điềm Mặc nói riêng và ở Định Hóa nói chung là hái chè búp quá già và chế biến theo hình thức phơi hong nắng. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được công lao động, chất đốt và tăng số lượng chè sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm lại có chất lượng và giá bán thấp hơn so với chè sao suốt. Khắc phục điều này, anh Hiệp đã áp dụng hình thức chế biến chè an toàn theo hướng dẫn. Đó là hái búp chè non hơn (1 tôm, 2 lá), chế biến ngay sau khi hái về và theo hình thức sao suốt. Anh Hiệp tâm sự: Tôi chấp nhận chịu thiệt thòi về thu nhập và khó tiêu thụ hơn (bởi thương lái trong vùng vốn quen mua chè hong nắng). Tuy nhiên, đây là hướng đi tất yếu mà người trồng chè phải áp dụng để nâng cao chất lượng và giá bán.

 

Ông Đoàn Viết Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc cho biết: Với hơn 350ha chè, trong đó có 300ha là chè kinh doanh, xã Điềm Mặc là một trong những địa phương có diện tích chè lớn nhất của huyện Định Hóa. Trong những năm qua, xã luôn xác định đây là cây trồng thế mạnh, từ đó tập trung chỉ đạo người dân thay đổi cơ cấu giống và nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm chè. Sự kiện Festival Trà sẽ là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm chè địa phương với du khách gần xa. Thời gian tới, bên cạnh việc chỉnh trang, chăm sóc các vườn chè, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vệ sinh môi trường, luyện tập văn nghệ… chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để cùng với toàn tỉnh tổ chức một kỳ Festival Trà thành công.

Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: