Sau một mùa tuyển quân...

Cập nhật: Thứ bẩy 03/09/2022 - 16:39
 Các VĐV boxing nữ Hà Nội vừa được tuyển chọn trong hè 2022 trước một buổi tập. Ảnh: Nguyễn Cường
Các VĐV boxing nữ Hà Nội vừa được tuyển chọn trong hè 2022 trước một buổi tập. Ảnh: Nguyễn Cường

Mùa tuyển chọn vận động viên (VĐV) năng khiếu của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) Hà Nội vừa kết thúc. Một lần nữa, vấn đề khó khăn trong công tác phát hiện, tuyển chọn tài năng trẻ trong lĩnh vực thể thao lại được đặt ra.

Không dễ thu hút tài năng trẻ

Hơn chục năm qua, Thể thao Hà Nội là điểm đến hàng đầu được nhiều gia đình, kể cả ở tỉnh ngoài, chọn để gửi con theo nghiệp thể thao. Khi đó, các bộ môn của thể thao Hà Nội đều có đội ngũ cộng tác viên ở các tỉnh, thành phố cũng như quận, huyện, thị xã. Đội ngũ này phát hiện tài năng trẻ và thông báo cho bộ môn tuyển chọn, đào tạo. Nhờ vậy, thể thao Hà Nội đã đón nhận không ít tài năng thể thao từ các tỉnh ngoài, trong đó có những người đang thành danh như võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (boxing), Nguyễn Thị Nga (bóng bàn) từ Thái Bình, Bùi Yến Ly (muay) từ Bắc Giang, Nguyễn Thành Chung (bóng đá) từ Tuyên Quang...

Tuy nhiên, do những thay đổi về quy định tài chính của ngành Thể thao Hà Nội cách đây gần chục năm nên nguồn kinh phí hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên thể thao cơ sở đã không còn, gây ảnh hưởng đến việc tuyển sinh. Các bộ môn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm VĐV năng khiếu nên nguồn cung cho thể thao thành tích cao Hà Nội ngày càng hạn hẹp.

Như ở mùa tuyển VĐV hè 2022 này, tính đến giữa tháng 7, bộ môn bóng chuyền mới tuyển được gần chục VĐV nữ. Môn boxing nữ cũng rơi vào tình trạng tương tự khi phải tập trung hướng tới nguồn tuyển ở tỉnh ngoài bởi tại Hà Nội, rất ít gia đình cho con theo con đường thể thao thành tích cao. Ở môn wushu, đội đối kháng nam “ngắm” được gần chục VĐV từ Hà Giang và đến cuối hè 2022, đã có 2 VĐV chính thức được tuyển.

Với môn cử tạ, nhờ nỗ lực duy trì quan hệ với đội ngũ cộng tác viên cơ sở nên trong dịp hè 2022 đã có gần 40 VĐV năng khiếu ở các tỉnh và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được sơ tuyển và đến cuối hè đã có 9 VĐV được giữ lại để đào tạo tiếp. Theo như người trong cuộc kể thì hành trình tuyển sinh có không ít điều khiến họ nuối tiếc. Như ở Sóc Sơn, có một trường hợp lọt vào “mắt xanh” của phía tìm kiếm tài năng khi hội đủ tố chất, chỉ số hình thể để theo môn cử tạ. Phó Trưởng bộ môn cử tạ Trần Thị Tài kể, các huấn luyện viên (HLV) cùng cộng tác viên đã đến nhà thuyết phục và gia đình nhất trí cho con về tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Nhưng đến sáng hôm sau, trước hơn một giờ theo lịch hẹn thì gia đình lại gọi điện xin phép cho con ở nhà.

Câu chuyện “để vàng rơi” xảy ra như cơm bữa trong mỗi mùa tuyển VĐV, để lại nhiều tiếc nuối bởi số lượng và chất lượng VĐV được tuyển trong dịp hè sẽ góp phần quan trọng vào sự ổn định về thành tích của thể thao Hà Nội.

Tìm lối đi phù hợp

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng nói: “Sự cạnh tranh giữa các trung tâm đào tạo VĐV trên địa bàn thành phố hay việc các gia đình có nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho con đã ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của hơn 30 bộ môn thuộc Trung tâm. Dù vẫn mong được hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế chính sách trong việc tuyển sinh, phát hiện tài năng ở cơ sở nhưng trước mắt, chúng tôi phải tận dụng tối đa lợi thế trong đào tạo VĐV để các phụ huynh yên tâm cho con tập luyện trong môi trường thể thao thành tích cao Hà Nội”.

Lợi thế của thể thao Hà Nội trong đào tạo trẻ chính là chất lượng đào tạo đã được khẳng định trong nhiều năm qua nhờ đội ngũ HLV chắc tay. Như ở môn bóng đá, dù vài năm qua đã phải chấp nhận tuyển VĐV “nước 2”, những người không được các trung tâm đào tạo khác sử dụng, nhưng dưới sự nhào nặn của các HLV Hà Nội, nhiều VĐV trong số này đã phát triển tốt. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở môn bóng chuyền, điều đó lý giải vì sao các đội nam, nữ trẻ của Hà Nội thường xuyên lọt vào bán kết giải bóng chuyền trẻ quốc gia trong thời gian gần đây.

Trưởng bộ môn bóng chuyền - bóng rổ Bùi Đình Lợi cho hay: “Ngoài chất lượng đào tạo, hệ thống cơ sở vật chất thuộc tốp đầu ở Việt Nam, chúng tôi nhấn mạnh đến việc VĐV được tạo điều kiện học văn hóa, theo học Đại học TDTT, được mua bảo hiểm xã hội đầy đủ khi gắn bó với thể thao Hà Nội. Đó cũng là một trong những lý do giúp bộ môn vẫn tuyển được VĐV”.

Trong khi đó, các đội khác cũng tìm lối đi của mình. Như đội tán thủ nam của môn wushu đã phối hợp với bộ môn wushu Đà Nẵng trong việc tuyển chọn và đào tạo VĐV. Trong đó, phía Hà Nội nhận đào tạo những VĐV tốt nhất, có khả năng tranh chấp huy chương quốc tế; phía Đà Nẵng nhận được những VĐV ít nhất đủ khả năng tranh chấp HCV toàn quốc...

Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, cần có sự hỗ trợ về cơ chế từ ngành Thể thao để các bộ môn dễ dàng phát hiện, tuyển chọn và đào tạo VĐV. Đồng thời, thể thao thành tích cao Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo của các bộ môn, tìm giải pháp nâng cao sức hút để các gia đình yên tâm gửi gắm tương lai của con mình cho ngành TDTT.


Theo HNMO
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: