Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 11): Đại tướng trong tim Thái Nguyên
Di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa). Ảnh: T.L |
Nếu quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình) là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên, thì Thái Nguyên là mảnh đất ông gắn bó nhất trong sự nghiệp cầm binh lẫy lừng của mình. Với Đại tướng, Thái Nguyên là quê hương thứ 2, còn với người dân Thái Nguyên, tình cảm dành cho người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam không gì có thể đong đếm được.
Mảnh đất Định Hóa đã vinh dự được chứng kiến sự kiện hợp quân lịch sử khi năm 1945 đồng chí Võ Nguyên Giáp hợp nhất hai Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân đại diện cho lực lượng vũ trang toàn quốc thành Việt Nam Giải phóng quân. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Định Hóa đã vinh dự trở thành thánh địa, nơi ra đời các quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ và mang đậm dấu ấn của vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp.
Bầu trời Thái Nguyên cuối Thu như cao và xanh hơn. Lá hồng kỳ giữa quảng trường mang tên vị Đại tướng huyền thoại căng mình, ánh lên hào quang như gợi nhớ về cuộc tiến công giải phóng thị xã Thái Nguyên của đoàn quân cách mạng ngày 20/8/1945 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Vẫn như còn đây nét mặt gian manh của tên Tỉnh trưởng Bùi Huy Lượng khi nhận được tối hậu thư do đích thân Đại tướng thảo. Kia là nét mặt đầy lo lắng sự hoang mang đến tột độ của những tên lính Nhật trong trại lính Khố xanh và tiếng loảng xoảng khi lính Bảo an giao nộp vũ khí để tìm đường sống.
Chiều cùng ngày, tại cuộc mít tinh quần chúng ở sân vận động thị xã, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch. Bởi vậy, khi Đại tướng về với Bác Hồ và các bậc tiền nhân, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp để bày tỏ tấm lòng thành kính với vị Đại tướng của Nhân dân.
Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Di tích lịch sử chùa Đán (T.P Thái Nguyên). Ảnh: T.L
Chúng tôi ngược lên Định Hóa, mảnh đất đã cùng Đại tướng làm nên một hành trình lịch sử trong suốt 9 năm nếm mật nằm gai. Đây cũng là nơi Đại tướng đưa ra những quyết định lịch sử, kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”. Cũng tại đây, Đại tướng đã từng bước xây dựng lực lượng và định hướng chiến lược quân sự Việt Nam.
Ông Mông Đức Ngô, xóm Lợi A, xã Phượng Tiến (năm nay đã 94) tuổi vẫn nhớ như in những năm tháng được làm việc cùng anh Văn (tên thường gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Dù còn minh mẫn nhưng chân tay ông Ngô đã yếu, di chuyển chậm chạp. Ấy thế nhưng khi chúng tôi nhắc về Đại tướng, ông đứng bật dậy, bước đi có phần khỏe khoắn như có một nguồn năng lượng vô hình truyền đến. Ông vào nhà trong lấy ra chiếc áo đại cán còn mới. Đó là chiếc áo ông được Đại tướng tặng trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông chưa một lần dám mặc vì với ông nó quá quý giá.
Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, mọi vật dụng đều giản đơn như cuộc sống mộc mạc của bà con dân tộc Tày Định Hóa, có rất nhiều tấm hình ông Ngô được chụp chung với Đại tướng ở nhiều thời điểm khác nhau. Với ông Ngô, những tấm hình ấy là kỷ vật quý giá nhất trong cuộc đời mình. Ông Ngô là Trung đội trưởng Trung đội Liên lạc có nhiệm vụ truyền lệnh của Đại tướng cho các quân binh chủng bằng tiếng Tày. Là người được đi theo và làm việc cùng Đại tướng nhiều năm kể cả khi ở Định Hóa và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cũng là người được Đại tướng đặt cho tên gọi thân mật “chú Tám thông tin”.
Ông Ngô hồi tưởng: Anh Văn giản dị, gần gũi với anh em lắm mà nói tiếng Tày rất giỏi. Những năm tháng sống và làm việc ở Định Hóa, Đại tướng hay xuống nhà dân hỏi thăm từng người. Đến nhà ai, ông cũng tươi cười chào bác, chào bá, rồi hỏi mọi người có khỏe không, động viên mọi người cùng cố gắng tăng gia sản xuất để vượt qua khó khăn. Đấy chính là cách Đại tướng nắm bắt tình hình đấy. Anh Văn hay hỏi người dân những câu nghe thì tưởng bình thường lắm, như: Nhà có trâu, bò lớn bán không? Mấy ngày nay có ai lạ đến mua bán gì không?... Chúng tôi đi theo ông và không thấy có điều gì bất thường. Thế mà có lần, sau khi Đại tướng được người dân cho biết mới có người đến mua trâu, bò, Đại tướng hỏi thêm vài câu cũng rất bình thường rồi ra về mà không thể hiện bất cứ thái độ gì.
Sáng hôm sau, một đơn vị đóng ở làng Lình, xã Phú Đình bấy giờ được lệnh rút khẩn cấp về Định Biên vì nơi đó có thể sẽ bị ném bom. Y như rằng chiều hôm ấy, giặc đến ném bom vào đúng vị trí của bộ đội. Sau này tôi mới biết, việc bảo toàn được tính mạng của đơn vị hôm đó chính từ thông tin mà Đại tướng đã kịp nắm bắt. Những năm tháng sau chiến tranh, ông Ngô thêm nhiều lần khác được về Hà Nội gặp Đại tướng. “Lần nào về thăm, ông cũng bảo tôi ngồi cạnh ông”, ông Ngô không giấu được niềm tự hào kể lại.
Di tích Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Bảo Linh (Định Hóa) đã được quy hoạch và xây dựng khang trang. Ảnh: T.L
Là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và là học trò xuất sắc, gần gũi nhất của Bác Hồ, Đại tướng luôn có phong cách làm việc gần gũi, khiêm nhường và dân chủ. Ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái - Thái Nguyên luôn dành tình cảm kính trọng mỗi khi nhắc về vị Đại tướng Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngô Hai tâm sự: Suốt cuộc đời công tác của mình, tôi đã gặp rất nhiều đồng chí lãnh đạo của đất nước, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người đặc biệt. Đại tướng từng nói, tuổi thơ của Đại tướng gắn với quê hương của mình (xã An Xá, huyện Lệ Thủy, nay là thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), còn cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng lại gắn nhiều với Thái Nguyên. Ông coi Thái Nguyên như quê hương thứ hai của mình. Đại tướng vẫn nói đồng bào các dân tộc Thái Nguyên, trước đây là Bắc Thái, rất thủy chung với cách mạng, với đồng chí, đồng đội. Cho nên từ năm 1990 đến 2000, năm nào Đại tướng cũng lên thăm Thái Nguyên, thăm đồng bào.
Tôi còn nhớ năm 1989, tôi đón ông về thăm ATK Định Hóa. Ông không qua huyện mà lên thẳng Phú Đình, dù không báo trước nhưng khi đến nơi người dân đón Đại tướng rất đông, người ở các xã, các bản vùng xa của huyện Định Hóa cũng có mặt. Nhiều người bảo chỉ cần trông thấy Đại tướng khỏe mạnh là an lòng. Tình cảm của người dân Thái Nguyên, của người Định Hóa dành cho Đại tướng là như vậy. Còn lúc làm việc, Đại tướng khiêm nhường lắm, chúng tôi dù đáng tuổi con, cháu, lại là cấp dưới nhưng Đại tướng chưa bao giờ bảo chúng tôi phải làm theo ý của ông.
Đại tướng nói làm việc trước hết là phải “dĩ công vi thượng” tức công việc là trên hết. Thứ hai là “dân vi bản”, ý muốn nói lợi ích của dân là trước hết. Đại tướng cũng luôn muốn nghe ý kiến của địa phương, chứ không có tư tưởng Trung ương về để chỉ đạo. Nhiều lần về thăm tỉnh, Đại tướng quan tâm tới những vấn đề rất đời thường nhưng luôn ẩn chứa tấm lòng, tình cảm dành cho mỗi người dân. Ông hay hỏi tôi: Đồng bào miền núi sống thế nào, bảo vệ rừng thế nào? Thời kháng chiến rừng bảo vệ bộ đội, rừng bảo vệ chúng tôi, bây giờ làm sao rừng phải nuôi được dân?
Với lòng kính trọng và cảm phục dành cho Đại tướng, nên nhiều năm sau này, dù nghỉ hưu đã lâu, song dịp mừng thọ nào ông Nguyễn Ngô Hai cũng về thăm Đại tướng. Quà ông mang về biếu Đại tướng cũng vẫn giống năm xưa, chỉ là một ít quả trám đen và vài cân khoai sọ, nhưng Đại tướng vui lắm. Bởi, đó là món ăn Đại tướng vô cùng ưa thích và quan trọng hơn nó mang hương vị của núi rừng Việt Bắc, nơi Đại tướng coi như quê hương thứ 2 của mình.
Còn rất nhiều câu chuyện cảm động khác về vị Đại tướng huyền thoại của Nhân dân, về nghĩa tình sâu nặng Đại tướng dành cho Thái Nguyên cũng như lòng người dân Thái Nguyên luôn hướng về Đại tướng. Với người dân cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng, Đại tướng là tượng đài vĩnh cửu, là niềm tự hào của đất nước, non sông.
(Còn nữa)