Ảm đạm thị trường cửa hàng cho thuê
Một dãy cửa hàng đóng cửa đề biển cho thuê trên đường Cách mạng Tháng Tám (T.P Thái Nguyên). |
Nếu như trước đây, để thuê được một cửa hàng có vị trí đẹp trên các tuyến đường trung tâm của T.P Thái Nguyên để kinh doanh, nhiều người phải mất khá nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, thậm chí phải chấp nhận giá thuê cao thì khoảng nửa năm nay, việc này trở nên khá dễ dàng và giá thuê cũng “mềm” hơn trước. Từ đầu tháng 11 trở lại đây, thị trường cho thuê cửa hàng đã bắt đầu ấm trở lại, song vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm.
Trên nhiều tuyến đường chính của T.P Thái Nguyên những ngày này, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những tấm biển “Mời thuê cửa hàng/ Cửa hàng cho thuê”. Vào một số địa chỉ trên, trong vai người đi thuê, chúng tôi được các chủ cửa hàng đón tiếp nhiệt tình, cởi mở. Tuỳ theo diện tích, tuyến đường, vị trí mà giá khác nhau. Cụ thể, một căn nhà trên đường Hoàng Văn Thụ rộng 80m2 (4x20m), khá sạch đẹp, vỉa hè rộng rãi, có giá 15 triệu đồng/tháng (bao gồm cả tầng 2 và tầng 3 dành để ở). Cùng với diện tích này nhưng nếu cửa hàng nằm đường Lương Ngọc Quyến lại có giá từ 25 -30 triệu đồng/tháng. Cũng tại tuyến đường này, một cửa hàng rộng chừng 30-40m2 sẽ có giá trên dưới 8 triệu đồng/tháng. Còn ở đường Cách mạng Tháng Tám (khu vực từ ngã tư đèn đỏ giao với đường Phan Đình Phùng đến đường tròn thành phố) mức giá phổ biến từ 11-12 triệu/tháng đối với cửa hàng rộng 90-100m2... Theo các chủ cửa hàng cũng như những người đi thuê, mức giá này so với năm 2019 giảm khoảng 10-20%, trong khi đó, nếu không có dịch COVID-19 thì theo thông lệ giá sẽ tăng từ 5-10%. Đặc biệt, nhiều cửa hàng trước đó gần như không bao giờ có thời gian để trống thì nay, có chỗ đã đóng cửa 5-7 tháng nhưng chưa có người thuê lại.
Ngoài giá thuê, các chủ cửa hàng cũng kèm theo một số điều kiện nhất định, như: Hợp đồng thuê tối thiểu 3 năm; nộp tiền cả năm/lần; nếu trả nhà trước hạn sẽ bị phạt 1-2 tháng tiền thuê…
Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường cửa hàng cho thuê rơi vào tình trạng vắng khách, trong đó chủ yếu là do dịch COVID-19 đã khiến nhiều loại hình, mặt hàng kinh doanh trở nên ế ẩm. Nhiều người do đã trả tiền nhà cả năm, thậm chí là 2 năm nên buộc phải bám trụ. Vì thế, khi hết thời gian thuê, nếu không thống nhất lại được với chủ nhà, họ buộc phải chọn thuê nơi khác hoặc ngừng hoạt động. Có những người từ bỏ kinh doanh để chọn việc làm khác. Cũng có người, chọn hình thức kinh doanh online tại nhà để không phải mất chi phí thuê cửa hàng.
Một cửa hàng trên đường Lương Ngọc Quyết đề biển cho thuê trước khi hợp đồng thuê nhà hết hạn vào cuối tháng 12-2020.
Chị Lưu Ngọc Nga, chủ cơ sở kinh doanh quần áo trẻ em, trên đường Cách mạng Tháng Tám chia sẻ: 3-4 năm trở lại đây, số người kinh doanh quần áo tăng mạnh khiến việc buôn bán mặt hàng này trở nên khó khăn, nhưng dẫu sao vẫn cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người buộc phải thắt chặt chi tiêu, cùng với đó là hoạt động bán hàng online nở rộ nên việc kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Vì chưa hết thời gian thuê nhà nên tôi buộc phải bám trụ. Hết năm nay, tôi sẽ chuyển về nhà bán theo hình thức online, vừa có thời gian làm việc nhà vừa không phải lo tiền thuê nhà.
Khác với chị Nga, anh Trần Tuấn Thoa, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) chuyên kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm và đồ thể thao lại có cách làm khác. Anh chia sẻ: Tháng 8 vừa rồi, cửa hàng tôi thuê hết hạn hợp đồng. Vì thế, ngay từ giữa tháng 7, khi thấy nhiều người trả cửa hàng, tôi đã tranh thủ đi tìm hiểu và thuê được cửa hàng mới với giá rẻ hơn vừa rộng rãi, vừa có nhà cho cả gia đình sinh sống. Với tôi, việc có nhiều cửa hàng trống người thuê trong năm nay lại là cơ hội giúp tôi mở rộng quy mô hoạt động.
Có thể thấy, thị trường cửa hàng cho thuê rơi vào tình trạng kém sôi động là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thực tế này đã và đang khiến nhiều chủ các cửa hàng bất lợi và gặp khó khăn nhất định, vì bị gián đoạn nguồn thu và thay đổi, sửa chữa lại nhà theo yêu cầu của người thuê mới. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực thì đây lại là cơ hội giúp nhiều người tìm được chỗ thuê mới phù hợp hơn mà giá thuê lại thấp hơn. Thế mới thấy, trong nguy thường có cơ. Nhưng là cơ hay nguy thì còn phụ thuộc vào sự linh hoạt, nhạy bén của mỗi người trong việc vận dụng và nắm bắt nó ra sao.