Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đội QLTT số 4 kiểm tra tại cơ sở mỹ phẩm của Công ty TNHH Themphaco, tại phường Nam Tiến (TP. Phổ Yên). |
Trên địa bàn TP. Phổ Yên hiện có khoảng 6.000 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ. Để đảm bảo thị trường ổn định và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thời gian qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 khu vực Phổ Yên - Sông Công (Cục QLTT tỉnh) đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm.
Kết quả, trong 8 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý 109/112 vụ (hàng nhập lậu 11 vụ, hàng giả 9 vụ, an toàn thực phẩm 9 vụ, vi phạm dấu hợp quy 11 vụ, thương mại điện tử 1 vụ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ 13 vụ, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa 14 vụ, vi phạm về niêm yết giá 26 vụ; vi phạm khác 15 vụ); thu nộp cho ngân sách Nhà nước trên 320 triệu đồng.
Trong số đó có thể kể đến một số vụ việc như ngày 3/3/2022, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 4 đã phát hiện ông Đỗ Duy Thành (hộ khẩu thường trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) - chủ sở hữu 2 lô hàng có 700 bộ kit test nhanh COVID-19 được vận chuyển trên xe ô tô đến tổ dân phố Hắng, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên) tiêu thụ. Qua kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhập khẩu hợp pháp. Theo đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số kit test nhanh nhập lậu (trị giá 29,4 triệu đồng) và xử phạt hành chính chủ lô hàng 16 triệu đồng.
Hay như vụ kiểm tra hộ kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm của ông Dương Quốc Hưng, ở tổ dân phố Cầu Rẽo, phường Bãi Bông (TP. Phổ Yên) ngày 16/3/2022. Tại đây, Đội QLTT số 4 phát hiện và lập biên bản thu giữ 300 tuýp thuốc nhuộm tóc nhập lậu (trị giá hơn 25 triệu đồng) và xử lý vi phạm hành chính đối với chủ hộ kinh doanh với số tiền 16 triệu đồng.
Theo ông Nhữ Văn Tiến, Đội trưởng Đội QLTT số 4: Mặc dù trên địa bàn TP. Phổ Yên chưa có tụ điểm, đường dây, nhóm hoạt động thường xuyên về vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp. Nhiều chủ cơ sở, hộ kinh doanh dùng các thủ đoạn kinh doanh hàng lậu như: Phân tán, chia hàng hóa nhập lậu ở nhiều nơi, tại điểm bán chỉ để một lượng hàng hóa nhỏ, khi khách mua thì mới đưa ra; trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào hàng thật cùng loại hoặc hợp lý bằng hóa đơn chứng từ hợp pháp... Bên cạnh đó, nhiều hàng hóa giao dịch, mua bán thông qua mạng xã hội không có hóa đơn, chứng từ, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát...
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đây là thời điểm các đối tượng lợi dụng để gia tăng hoạt động buôn lậu; buôn bán, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, kinh doanh hàng giả; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái phép khác.
Nhằm ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất tình trạng này và giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đội QLTT số 4 sẽ tăng cường nắm bắt diễn biến thị trường, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bán hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm…