Bình ổn thị trường hàng thiết yếu cuối năm

Cập nhật: Thứ sáu 24/12/2021 - 11:02
 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 có xu hướng tăng mạnh, trong khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến năng lực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hoá của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị hạn chế. Điều đó đòi hỏi hoạt động điều tiết giá cả thị trường hàng hoá thiết yếu dịp cuối năm phải được quan tâm hơn nữa, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo người dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Từ ngày 20-12-2021, các hoạt động bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Đó là hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu phục vụ Tết (gồm: gạo, muối i-ốt, dầu ăn, đường, bánh kẹo, thực phẩm chế biến… và mặt hàng phòng dịch là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn) với tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi xuất phù hợp nhằm gia tăng sản xuất. Liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với đơn vị phân phối nhằm dự trữ hàng hóa, góp phần bình ổn giá cả thị trường. Các hoạt động bình ổn sẽ kết thúc vào ngày 15-3-2022.

Theo tính toán thì tổng nhu cầu hàng hoá thiết yếu cần dự trữ dịp cuối năm này khá lớn. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng của hơn 1,3 triệu dân trong toàn tỉnh, mỗi tháng tỉnh cần dự trữ trên 451 triệu kg gạo tẻ, trên 31 nghìn kg muối i-ốt, hơn 137 triệu kg bánh kẹo, trên 235 nghìn lít dầu ăn, trên 15 triệu chiếc khẩu trang y tế, trên 130 nghìn lít nước sát khuẩn …

Theo đánh giá của ngành Công Thương, chúng ta thừa khả năng dự trữ số lượng hàng hoá lớn như vậy để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, không thể chủ quan, bị động, ngành Công Thương vẫn luôn theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án bình ổn. Kịp thời có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm hoặc trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát.

Thời điểm này đã cận kề với Tết, do vậy tỉnh đang gấp rút chỉ đạo ngành Công Thương, ngành liên quan và các địa phương phối hợp theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm.

Hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt, nhất là việc vận tải của các đơn vị khi đi qua các địa bàn liên tỉnh có dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tổ chức các hoạt động kết nối thị trường, góp phần tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết và cung ứng cho các địa bàn trong trường hợp thực hiện cách ly hoặc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Có chương trình cụ thể thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo các hình thức phù hợp để kết nối cung cầu, kích thích tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh…

Như vậy có thể thấy, các phương án, kịch bản chủ động để bình ổn thị trường hàng hoá thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán của tỉnh đã được chuẩn bị từ sớm. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu ổn định cuộc sống người dân dịp cuối năm, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Nguyễn San
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: