Giá hàng hóa tăng cao: Người dân chật vật thích nghi
Hiện tại, giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên thị trường tăng khoảng 10-15% so với đầu năm nay. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Lan Chi. |
Giá xăng, dầu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây đã và đang trở thành nguyên nhân chính khiến hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá theo. Điều này khiến người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp hoặc trung bình gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế này rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Anh Vũ Trí Đặng, chủ cửa hàng tạp hóa Thanh Trà, nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Từ Tết ra đến nay, giá hầu hết các mặt hàng đều tăng theo tháng, dù mỗi lần chỉ nhích lên một ít nhưng nếu cộng dồn lại cũng rất đáng kể. Trong đó, tăng mạnh nhất là các mặt hàng bánh kẹo, dầu ăn, mì tôm, nước mắm, sữa các loại… với mức tăng trung bình khoảng 10-15% so với đầu năm (nếu so với cùng kỳ năm trước thì tăng tới 20-30%). Đơn cử như mì tôm Omachi tăng từ 160 lên 210 nghìn đồng/thùng; nước mắm Chinsu loại 750ml/chai tăng từ 30 lên 40 nghìn đồng/chai; dầu ăn tăng từ 40-50 nghìn lên 50-60 nghìn đồng/lít (tùy loại)… Do giá tăng nên các mặt hàng bán ra cũng chậm hơn và thay vì chọn thương hiệu ở phân khúc trên thì nhiều người giờ đã chuyển sang chọn dòng sản phẩm bình dân.
Còn theo chị Trần Thị Thu Hiền, Giám sát ngành hàng tại Siêu thị Lan Chi: Nguyên nhân chính khiến hầu hết các mặt hàng tăng giá là do giá xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian qua. Trong khi đó, đây là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành giá thành sản phẩm. Để giúp khách hàng vơi bớt khó khăn, Siêu thị đã trích quỹ bình ổn giá của hệ thống siêu thị để giảm giá trực tiếp 3-5% mặt hàng sữa và dầu ăn là 7-10%.
Bên cạnh những mặt hàng nêu trên, do ảnh hưởng của các đợt mưa bão vừa qua nên hàng thực phẩm tươi sống cũng trở nên khan hiếm và đội giá, đặc biệt là rau, củ, quả. Anh Hoàng Nghĩa Bá, ở phường Cải Đan (TP. Sông Công) cho biết: Giờ cầm 100 nghìn đồng đi chợ, tôi rất khó khi chọn mua thực phẩm. Mớ rau ngót, trước chỉ từ 4-5 nghìn đồng, giờ đã tăng lên 8-10 nghìn đồng; cặp mùng tơi, rau đay cũng tăng từ 3 nghìn lên 5-6 nghìn đồng. Với mức lương công chức của vợ chồng tôi chưa đến 10 triệu đồng/tháng, lại phải nuôi 2 con ăn học và tiền thuê nhà, tôi thực sự thấy chật vật. Để có thêm thu nhập, ngoài giờ làm và 2 ngày cuối tuần, tôi phải nhận đi ship hàng cho một người hàng xóm, để kiếm thêm khoảng 300 nghìn đồng/tuần.
Cũng vì chật vật trong "bão giá" nên chị Phạm Thị Thu, bác sĩ một bệnh viện tuyến tỉnh đã quyết định xin nghỉ làm sớm hơn dự kiến. Chị chia sẻ: Tôi dự định cuối năm nay mới xin nghỉ làm tại bệnh viện, nhưng vì mọi thứ quá đắt đỏ nên tôi đã quyết định nộp đơn sớm hơn 7 tháng để đi làm cho một phòng khám gần nhà. Hiện tại, với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng của tôi, cộng với tiền lương 5 triệu đồng của chồng không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của các con. Nếu trước đây, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi vẫn chi tiêu đủ trong khoảng 9-10 triệu đồng cho tiền ăn uống, xăng xe, điện nước… thì nay tăng lên khoảng 12-13 triệu đồng, cộng với tiền thuê nhà 2 triệu đồng/tháng thì coi như chúng tôi không có tích lũy. Trong trường hợp ốm đau hay làm việc lớn, vợ chồng tôi sẽ không biết xoay sở ra sao…
Theo bà Hoàng Thị Hoa, Cục Phó Cục Thống kê tỉnh: Thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và chi tiêu của người dân. Cụ thể: So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá nhóm giao thông 5 tháng đầu năm nay tăng tới gần 16%, trong đó, nhóm nhiên liệu tăng tới hơn 48%; giá gas đun tăng hơn 25%... Giá xăng, dầu, gas tăng đã tác động trực tiếp và làm tăng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác. Dự báo, trong thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn…
Có thể nói, trước “cơn bão giá”, phần lớn người dân đã phải tự tìm cách thích nghi để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình. Song nếu thực trạng này tiếp tục kéo dài, trong khi mức lương chưa được cải thiện sẽ dẫn tới những hệ lụy nhất định cho mỗi gia đình và cả xã hội. Do đó, trong thời gian tới, người dân rất cần thêm các giải pháp bình ổn thị trường của các ngành chức năng, cũng như các chính sách thuế, tài chính của Nhà nước để cuộc sống của người dân vơi bớt khó khăn...