Hàng hóa dồi dào - sức mua giảm

Cập nhật: Thứ năm 25/02/2021 - 12:11
 Nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm sau Tết tiêu thụ giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với trước Tết. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Thái.
Nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm sau Tết tiêu thụ giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với trước Tết. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Thái.

Những ngày này, hầu hết các cửa hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân từ chợ dân sinh cho đến các siêu thị đã mở cửa trở lại. Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Thái, nhìn chung các loại hàng hóa đều khá dồi dào, giá cả ổn định, nhất là hàng thực phẩm, song sức mua giảm đáng kể, khiến việc kinh doanh của tiểu thương khá khó khăn.

Theo phản ánh của nhiều tiểu thương, từ ngày mùng 8 tháng Giêng đến nay, tất cả các mặt hàng đều đã ổn định trở lại, thậm chí đối với rau, củ, do nguồn cung dồi dào nên giá nhập và giá bán đều giảm so với trước Tết. Bà Hoàng Thị Xuân, chuyên kinh doanh mặt hàng rau xanh chia sẻ: 8 năm bán hàng tại chợ, chưa khi nào, việc kinh doanh của bà con trong chợ lại ế ẩm như năm 2020 và những ngày này. So với trước Tết, nhiều loại rau giảm từ 1.000 đến vài nghìn đồng/kg. Hiện cà chua loại ngon cũng chỉ bán 4.000-5.000 đồng/kg; bắp cải, cải bao 4.000 đồng/kg; súp lơ 6.000 đồng/kg… Với giá bán này, các tiểu thương lấy cao hơn giá nhập từ 1.000-2.000 đồng/kg, nhưng do hàng ế, hỏng khá nhiều nên tiền lãi cũng không được là bao. Bà Xuân cũng chia sẻ thêm: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều người thất nghiệp hoặc bị giảm thu nhập nên đã tự trồng rau xanh tại nhà. Do đó, sức mua cũng giảm đáng kể. Thêm vào đó, nhiều nhà hàng, quán ăn vắng khách, có thời điểm phải ngừng hoạt động; cỗ cưới, liên hoan… trong dân cũng hạn chế; học sinh, sinh viên chưa trở lại trường cũng tác động không nhỏ đến việc buôn bán.

Cũng có chung nhận xét này, bà Nguyễn Thị Yên, kinh doanh giò chả, nem chua, bánh chưng, bánh dày thở dài: Nếu như trước năm 2020, trung bình mỗi ngày tôi tiêu thụ được vài chục ki-lô-gam giò chả, thì nay, chỉ được trên dưới 10kg. Các mặt hàng khác tiêu thụ cũng rất chậm. Còn bà Đào Thị Thuần, kinh doanh thịt bò cho biết: Giá đầu vào vẫn giữ nguyên nhưng để bán được hàng, chúng tôi đã giảm 5.000-10.000 đồng/kg. Đơn cử như thịt loại 1 trước là 280.000 đồng/kg, thì hiện là 270.000 đồng/kg. Dù vậy, lượng tiêu thụ cũng chỉ bằng 50% so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19. Anh Nguyễn Đức Thắng, chủ cửa hàng đồ khô Sớm Ngát thông tin: Với lợi thế ngồi đầu dãy, trước đây, cửa hàng của tôi lúc nào cũng có khách ra, khách vào mua buôn và mua lẻ, nhưng nay, lượng khách rất thưa thớt. Một số mặt hàng giá cao như mực khô, cá chỉ vàng, trước đây trung bình mỗi ngày bán được 10-20kg, thì nay giảm mạnh, có ngày thậm chí không bán được lạng nào.

Tuy được cho là khá ảm đạm, nhưng so với nhiều mặt hàng khác như đồ điện, đồ sắt, quần áo, giày dép, mỹ phẩm… thì vẫn còn “sáng sủa” hơn rất nhiều. Bà Đỗ Thị Bạch Quyên, chủ cửa hàng đồ điện, sắt chia sẻ: Sau Tết, chúng tôi vẫn đủ mặt hàng để bán cho khách, nhưng người mua rất lèo tèo. Vẫn biết, theo quy luật của thị trường thì ra Tết bao giờ cũng vắng khách hơn, nhưng năm nay, khách vắng quá! Trong khi đó, một số mặt hàng như: cân bàn, sơn, dao, kéo… vừa được nhà cung cấp báo tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, do hàng nhập từ trước Tết còn nhiều nên tôi vẫn bán theo giá cũ. Việc kinh doanh đang gặp khó, nhưng tôi hiểu, đó là tình trạng chung và so với nhiều tỉnh có dịch thì chúng tôi vẫn còn may mắn hơn. Tôi mong dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi và cuộc sống của mọi người lại trở lại như trước.

Hạ Liên
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: