Người tiêu dùng tin tưởng hàng “Made in Việt Nam”
Hàng Made in Việt Nam được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm |
Tết. Thiêng liêng, gần gũi và háo hức - một nét đẹp truyền thống tự ngàn đời. Dù bận rộn mấy, mọi người, nhất là những ai quanh năm đi làm ăn xa khi về đoàn tụ cùng gia đình thường dành chút thời gian thư thả, sắm sanh thêm đồ dùng trang trí cho ngôi nhà thêm hơi ấm. Cũng vì thế, nhu cầu mua sắm trong dịp Tết tăng cao.
Qua khảo sát tại một số các siêu thị trên địa bàn T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên và một số chợ tỉnh, chợ huyện và chợ phiên, chúng tôi nhận thấy có nhiều mặt hàng tiêu dùng với đủ các chủng loại, mẫu mã đẹp được bày bán. Nhiều nhất vẫn là vải vóc, quần áo, giày dép, đồ điện và các loại thực phẩm tươi sống, trong đó có khá nhiều hàng hoá được sản xuất trong nước gắn nhãn “Made in Việt Nam”.
Chị Trần Thị Thu, tiểu thương ở Chợ Thái (T.P Thái Nguyên) cho biết: Do giá cả hợp lý, nhà sản xuất trong nước đã có quan tâm hơn tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên hàng Việt Nam bán chạy hơn so với mặt hàng nhập khẩu. Chị Nguyễn Thu Hoài, người dân phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên) chia sẻ: Tôi thường chủ động lựa chọn mua hàng Việt, có nhãn mác, thời gian sử dụng rõ ràng và không lo bị ngâm, tẩm hoá chất độc hại.
Điều đó thể hiện được thành công của việc tuyên truyền, quảng bá về thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động hàng năm, các cấp, ngành thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Ban Chỉ đạo thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, nhà sản xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm sản xuất trong nước để người tiêu dùng biết, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm.
Thông qua hoạt động tuyên truyền của các cấp, ngành chức năng, sự vào cuộc của người dân, Cuộc vận động đã từng bước đi vào đời sống. Người tiêu dùng có nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Về phía nhà sản xuất đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, áp dụng khoa học quản lý, nâng cao chất lượng hàng hoá, xây dựng thương hiệu, tạo sự đa dạng mẫu sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như quan tâm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng được tăng cường. Bên cạnh đó, sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước dành cho nhà sản xuất trong nước để thiết lập kênh bán hàng, tạo lập hệ thống phân phối sản phẩm mới, đưa hàng hóa mang thương hiệu “Made in Việt Nam” đến người tiêu dùng.
Trong năm 2020, Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp cùng ngành Công thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu trong đợt phòng, chống dịch COVID - 19.
MTTQ các cấp cũng đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, hàng sản xuất trong tỉnh, ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điển hình như Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức “Phiên chợ tình nghĩa” gắn với “Gian hàng 0 đồng”; phối hợp với Công ty sữa Hà Lan hỗ trợ người lao động mua 5.000 hộp sữa giá rẻ. Hội Nông dân tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Hội Llên hiệp Phụ nữ tỉnh và các huyện duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã và 13 cửa hàng bán, giới thiệu nông sản an toàn. Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức phát động Tháng nhân đạo với chủ đề: “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” gắn với triển khai mô hình “Chợ nhân đạo”...
Một số đơn vị cấp huyện chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Sở Công Thương, các doanh nghiệp tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: chè, miến dong, nấm, mật ong… Hưởng ứng Cuộc vận động, ngành Y tế của tỉnh hướng dẫn các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn vận động bệnh nhân điều trị bằng thuốc Việt...
Bằng sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị và nhà sản xuất, hàng hóa mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam” từng bước “bén rễ” vào đời sống xã hội, tạo được sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng bỏ tiền mua hàng sản xuất trong nước.